Nhiều doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn chưa gửi báo cáo đầy đủ đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh minh họa: Internet |
Mới công bố trung bình 5/9 báo cáo
Theo Báo cáo tình hình CBTT của DNNN năm 2019 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trình Thủ tướng Chính phủ, năm 2019 , cả nước có 374/529 DN, tương ứng với tỷ lệ 70,69% (chưa bao gồm các DN thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), thuộc diện phải thực hiện CBTT đã gửi báo cáo đến Bộ KH&ĐT. Trong số 155 DN còn lại, chủ yếu là các DN thuộc lĩnh vực thủy nông, thủy lợi, các công ty nông, lâm nghiệp, xổ số kiến thiết của nhiều địa phương. Một số DN lớn chưa gửi báo cáo đầy đủ đến Bộ KH&ĐT như: Tổng công ty (TCT) Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, TCT Giấy Việt Nam, TCT Đầu tư và Phát triển nhà và đô thị…
Đáng lưu ý, có tình trạng một số DN không thực hiện CBTT trong 3 năm liên tiếp dù hàng năm Bộ KH&ĐT đều nêu tên trong các danh sách DN không thực hiện CBTT, lãnh đạo Chính phủ cũng có chỉ đạo.
Theo Báo cáo, trừ Tổng công ty Đông Bắc, các DN thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đều không thực hiện việc CBTT theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 93/2015/NĐ-CP.
Tại cơ quan đại diện chủ sở hữu, tính đến 31/12/2019, đã có 24/63 địa phương và 5/5 tập đoàn kinh tế có chuyên mục riêng về CBTT theo quy định. Một số địa phương, mặc dù đã có chuyên mục CBTT về hoạt động của DNNN, nhưng số liệu cơ bản không được cập nhật đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định tại NĐ81. Tại một số TCT là DN cấp 2 thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, việc CBTT chưa thực hiện nghiêm túc.
Đề cập về chất lượng nội dung CBTT của DNNN, Bộ KH&ĐT đánh giá, trong tổng số 9 loại báo cáo phải thực hiện công bố theo quy định của NĐ81 thì hầu hết các DN chưa thực hiện công bố đầy đủ, trung bình mỗi doanh nghiệp chỉ công bố khoảng 5/9 loại báo cáo. Các nội dung phải CBTT như kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, báo cáo tài chính, báo cáo lương thưởng… chỉ đạt từ 40 - 60%.
Kiến nghị loạt giải pháp
Theo đó, Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ cho phép tiến hành đánh giá, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung NĐ81 đồng thời với quá trình xây dựng Luật DN (sửa đổi). Bộ KH&ĐT nêu rõ, hiện nay, Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật DN (sửa đổi) theo hướng DNNN bao gồm các DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Đồng thời, Dự thảo Luật quy định DNNN phải thực hiện CBTT theo quy định. Theo đó, trường hợp Luật DN (sửa đổi) được ban hành, đối tượng áp dụng tại NĐ81 sẽ chưa phù hợp với đối tượng áp dụng của luật này. Ngoài ra, NĐ81 chưa có quy định cụ thể về việc CBTT trực tuyến. Do vậy, chưa có căn cứ để yêu cầu các cơ quan đại diện chủ sở hữu DNNN gửi báo cáo và CBTT trực tuyến…
Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, UBND cấp tỉnh chưa thực hiện xây dựng chuyên mục và CBTT của DN theo quy định cần khẩn trương hoàn thiện nội dung này và gửi kết quả về Bộ để tổng hợp. Đối với các cơ quan đại diện chủ sở hữu, Bộ KH&ĐT đề xuất xem xét, xử lý trách nhiệm đối với viên chức quản lý DN theo hướng khiển trách; xử phạt các DN chưa thực hiện đầy đủ CBTT trong năm 2019 và cảnh cáo, xử phạt các DN chưa thực hiện CBTT trong 3 năm 2017 - 2019 theo quy định…
Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh yêu cầu cần có phải có quy định về việc xử lý vi phạm quy định về CBTT, cùng với đó quy định rõ chế tài xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm CBTT như: không CBTT; công bố không đầy đủ, hoặc công bố không chính xác.