Trước khi đòi hỏi các bên phải liêm chính, bản thân doanh nghiệp phải minh bạch trong tất cả các hoạt động. Ảnh: Lê Tiên |
Cần tiếng nói chung
Nỗ lực của Việt Nam trong việc ban hành Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá rất cao. Tuy nhiên, theo bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Chính phủ cần sớm đưa ra những mục tiêu rõ ràng cho từng thời điểm cụ thể để theo dõi tiến độ thực hiện cam kết PCTN. Cam kết không chỉ là một lời hứa suông, mà phải là một công cụ hiệu quả thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch tại Việt Nam.
Để thúc đẩy kinh doanh liêm chính trong các DN, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, VCCI vừa xây dựng bộ quy tắc thực hành. Bộ quy tắc với những bước đi cụ thể sẽ giúp các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, các hộ gia đình dễ dàng tiếp cận và thực hiện. Thực tế, đa số DN nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh tại Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế về năng lực quản trị. Trong khi đó, các tập đoàn xuyên quốc gia hay các DN lớn thường hoạt động minh bạch hơn, do yêu cầu của đối tác, của bạn hàng, chuỗi cung ứng và nhà đầu tư.
Thực tế, theo đánh giá của ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP.HCM, tình trạng tham nhũng vặt trên địa bàn TP.HCM bắt đầu có xu hướng giảm. Có nhiều nguyên nhân xuất phát từ DN, nhất là khu vực DN nước ngoài, tập đoàn xuyên quốc gia ngày càng coi trọng việc kinh doanh liêm chính, cũng như các DN ngày càng mạnh dạn hơn, dám lên tiếng trước những hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho DN.
Nếu có các hành vi gây khó khăn, phiền nhiễu, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành hàng, theo ông Trần Việt Anh, các DN cần có tiếng nói chung một cách mạnh mẽ, hành động tập thể trong PCTN. Nếu DN nào cũng tự xử lý, dễ dàng chấp nhận, “chậc lưỡi” cho qua để công việc trôi chảy, thì tình trạng vòi vĩnh, tham nhũng vặt sẽ không bao giờ chấm dứt.
Hưởng ứng lời kêu gọi của VCCI, tại Hội thảo, 11 hiệp hội DN ngành hàng đã ký vào Bản cam kết kinh doanh liêm chính. “Mặc dù đây chỉ mới là kết quả của cuộc vận động quy mô nhỏ, nhưng sẽ trở thành những hạt nhân tiên phong để thúc đẩy mạnh mẽ phong trào kinh doanh liêm chính trong các DN thành viên”, ông Lộc kỳ vọng.
Cơ chế kiểm soát phải rõ ràng
Trước khi đòi hỏi các bên phải liêm chính, ông Trần Việt Anh cho rằng, bản thân DN phải “sạch”, minh bạch trong tất cả các hoạt động, nắm chắc quy định và quy trình thực thi của pháp luật. Để không bị cán bộ tín dụng hạch sách, trước tiên DN phải hiểu được quy trình tín dụng, quản trị tốt hệ thống sổ sách kế toán nội bộ và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ... Ngoài ra, DN phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động giao dịch để tránh tối đa việc phải tiếp xúc trực tiếp.
Tuy nhiên, sự chủ động nói không với tham nhũng của DN là chưa đủ, mà cần có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và hệ thống pháp luật tương thích. Hiện nay, Chính phủ đã có cam kết xây dựng Chính phủ kiến tạo, tạo mọi thuận lợi cho DN hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc thực hiện cam kết này phải xuyên suốt từ trên xuống dưới, trôi chảy ở tất cả các bộ phận. Thủ tục hành chính phải đơn giản nhất. Mọi hoạt động giao dịch cần được số hóa.
Để tạo lập một môi trường kinh doanh liêm chính, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, hệ thống pháp luật phải được quy định rõ ràng, rành mạch. Ông Lộc nêu ví dụ, thời gian qua, báo chí có phản ánh nhiều cơ sở kinh doanh giả nhãn mác, xuất xứ... Tuy nhiên, hiện những quy định pháp luật về vấn đề này vẫn chưa rõ ràng, nên chưa thể kết tội DN. Nếu xử lý không khéo thì sẽ ảnh hưởng tới nhiều người dân, DN. “Do đó, Chính phủ cần sớm ban hành các quy định cụ thể, từ đó hướng dẫn DN thực hiện và xử phạt DN vi phạm”, ông Lộc khuyến nghị.