Tốc độ tăng GDP bình quân giai đoạn 1986 - 2024. Nguồn: tổng hợp từ Niên giám thống kê của Tổng cục Thống kê. Đơn vị: % |
Trái ngọt “Đổi mới”
Những ngày này, trong bầu không khí ngập tràn cờ đỏ, sao vàng, muôn hoa rực rỡ, ông Trần Thành Trọng, người sáng lập và là Tổng Giám đốc Công ty CP Sáng Ban Mai (tỉnh Bình Dương), một thương hiệu máy phát điện công nghiệp tầm cỡ khu vực, rất vui và tự hào trước sự phát triển mạnh mẽ và vị thế ngày càng cao của Việt Nam với quốc tế. “Đất nước ta đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần định hình một Việt Nam hiện đại, năng động, hội nhập và đang tiếp tục phát triển bền vững, tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình”, ông Trọng nói.
Nhìn lại thời kỳ Đổi mới, từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đạt những thành tựu kinh tế ấn tượng, chuyển mình từ một quốc gia nghèo nàn, phụ thuộc thành một nền kinh tế năng động, hội nhập sâu rộng. GDP của Việt Nam tăng gấp hàng chục lần và tới năm 2024 cán mốc 460 tỷ USD, lọt TOP 5 quốc gia có quy mô kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. 40 năm đổi mới, tăng trưởng GDP bình quân duy trì ở mức 6 - 7%/năm, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và toàn cầu. Kinh tế cất cánh đã giúp đất nước xóa đói giảm nghèo hiệu quả, đưa tỷ lệ nghèo từ 58% (năm 1993) xuống dưới 2% (năm 2020) theo chuẩn quốc gia. Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục 786,29 tỷ USD năm 2024. Thành tựu này đến từ chính sách cải cách mạnh mẽ như tự do hóa thương mại, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và phát triển khu vực tư nhân.
Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá, chất lượng tăng trưởng kinh tế đã dần được cải thiện, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế được nâng cao. Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA. Những hiệp định này không chỉ mở rộng thị trường xuất khẩu, thúc đẩy hàng Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, mà còn tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt tiếp cận nguồn vốn, công nghệ, và nhân lực kỹ thuật cao.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, doanh nhân Trần Thọ Huy, Tổng giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam bày tỏ ấn tượng mạnh về thu hút FDI cũng như sự phát triển bùng nổ về kết cấu hạ tầng và đô thị. Nguồn lực quốc tế chọn đầu tư tại Việt Nam không chỉ tạo ra nhiều việc làm cho người trẻ, mà còn đóng góp nhiều mặt cho nền kinh tế, trong đó có việc thúc đẩy các doanh nghiệp nội phải đổi mới để tăng sức cạnh tranh.
Trong gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI. Nguồn lực này đã đóng góp quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Việc ban hành Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 đã mở ra cánh cửa thu hút FDI, khởi đầu giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 đánh dấu bước ngoặt trong hội nhập kinh tế toàn cầu, từ đó thu hút hàng chục tỷ USD vốn FDI mỗi năm. Lũy kế đến ngày 31/12/2024, cả nước có 42.002 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 502,8 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt gần 322,5 tỷ USD, tương đương 64,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đặc biệt, trong giai đoạn gần đây, Việt Nam đã chuyển trọng tâm thu hút FDI từ số lượng sang chất lượng, ưu tiên các ngành công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và bền vững. Với tầm nhìn chiến lược, Chính phủ Việt Nam đang ưu tiên thu hút các đối tác lớn trong lĩnh vực công nghệ, đơn cử như thỏa thuận lịch sử với Tập đoàn NVIDIA vào năm 2024, mở ra kỷ nguyên mới cho FDI chất lượng cao.
Sự phát triển bùng nổ về kết cấu hạ tầng và đô thị hóa cũng là thành tựu quan trọng, tạo nên diện mạo mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước. Hạ tầng đô thị thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Hàng loạt tuyến vành đai, trục giao thông hướng tâm, nút giao lập thể, tuyến tránh đô thị và đường sắt đô thị, tạo ra sự kết nối hiệu quả và diện mạo hiện đại cho các đô thị lớn.
Những trái ngọt về kinh tế từ công cuộc Đổi mới đã giúp đất nước cải cách và phát triển trên tất cả các mặt. Nhiều chỉ số phát triển con người như tuổi thọ, giáo dục, y tế đều có những biến chuyển tích cực. Đời sống văn hóa, tinh thần người dân được nâng cao, phong trào văn hóa, thể thao phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ.
Mạnh mẽ vươn mình
Tháng 11/2024, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao đổi trực tiếp chuyên đề "Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam". Theo đó, Tổng Bí thư khẳng định, thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng. Kỷ nguyên vươn mình hàm ý tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được những thành tựu vĩ đại; xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Trải qua suốt chiều dài công cuộc đổi mới, ông Nguyễn Văn Quang, một đảng viên sống tại Khu phố 10, phường Hiệp Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM thấm đẫm từng nốt thăng trầm của dân tộc. “Hơn 70 năm cuộc đời, tôi chứng kiến sự kiên cường, nỗ lực vượt bậc của dân tộc để đi hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Con đường phía trước dù nhiều thử thách, nhưng Việt Nam sẽ lại tiếp nối thành công để hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, sánh vai ngang tầm cường quốc năm châu”, ông Quang nói.
Dù đạt nhiều thành quả đáng tự hào, nhưng Việt Nam hiện nay vẫn đối mặt với những thách thức như tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, phụ thuộc nhiều vào các ngành thâm dụng lao động và tài nguyên, trong khi giá trị gia tăng của nền kinh tế chưa cao. Hiệu quả đầu tư còn thấp, dẫn đến lãng phí nguồn lực. Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Nguy cơ tụt hậu về khoa học công nghệ, thiếu hụt lao động chất lượng cao… Ở kỷ nguyên vươn mình, cần có những giải pháp mạnh mẽ, bền vững hơn để vượt lên những khó khăn, thách thức, hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia phát triển.
Tại Hội thảo Khoa học bàn về cơ hội và thách thức cho Việt Nam trong kỷ nguyên mới, tổ chức tại TP.HCM tháng 12/2024, nhiều ý kiến cho rằng, để đạt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp chiến lược trên nhiều lĩnh vực. Đó là không ngừng cải cách, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và tận dụng tối đa lợi thế từ hội nhập quốc tế. Theo đó, giải pháp có tính then chốt là hoàn thiện thể chế phát triển và quản trị quốc gia. Tiếp tục đổi mới tư duy, xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân và vì sự phát triển bền vững. Việt Nam cần tạo đột phá trong giáo dục và đào tạo, gắn với đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ, thu hút và trọng dụng nhân tài, đặc biệt trong các lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ, khoa học và quản trị. Khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh. Phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời, cần tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại bảo đảm kết nối hiệu quả và bền vững, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, năng lượng và công nghệ thông tin… Tiếp tục hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế đất nước...
Những giải pháp nêu trên là nền tảng quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển phồn vinh, hạnh phúc, bảo vệ độc lập, chủ quyền và đóng góp tích cực vào sự ổn định, thịnh vượng của khu vực và thế giới.