Hành trình minh bạch thông tin dự án PPP

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 12 năm trong nghề, cũng chừng đó thời gian tôi theo dõi về dự án BOT, BT nói riêng, về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) nói chung. 
Việc công khai thông tin sẽ góp phần tăng tính minh bạch, tính giải trình và thuận lợi cho giám sát của người dân, xã hội đối với dự án PPP. Ảnh: Lê Tiên
Việc công khai thông tin sẽ góp phần tăng tính minh bạch, tính giải trình và thuận lợi cho giám sát của người dân, xã hội đối với dự án PPP. Ảnh: Lê Tiên

Hành trình ấy, tôi đã thấy có lúc niềm tin vào mô hình này bị mất đi, sự thiếu minh bạch là cội nguồn khiến người dân, dư luận hoài nghi. Tôi cũng đã thấy nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý, để lấy lại lòng tin, từ cả người dân và giới đầu tư, để PPP tiếp tục là mô hình đầu tư hiệu quả nâng cao chất lượng hạ tầng cho đất nước có nền tảng vững chắc để phát triển bứt phá.

Cách đây hơn 10 năm, chúng tôi bắt tay tìm hiểu về một số hợp đồng BOT đã ký kết, bởi có nhiều nguồn tin phản ánh rằng dường như đó là những hợp đồng bất cân bằng lợi ích, người dân đang phải trả phí quá cao. Khi ấy, thông tin về hợp đồng dự án tại thời điểm ký kết giữa cơ quan nhà nước và nhà đầu tư BOT không được công khai một cách rộng rãi. Không dễ để biết được những thông số quan trọng để đánh giá được dự án có đáng “đồng tiền bát gạo” như: thời gian thu phí theo hợp đồng dự án là bao lâu, lưu lượng xe đưa vào tính toán phương án tài chính như thế nào... Lúc ấy, tôi đã phải dùng nhiều biện pháp tác nghiệp để tiếp cận được hợp đồng dự án, được cơ quan nhà nước cho xem hợp đồng và ghi lại thông tin cần tìm kiếm. 

Với một nhà báo, tiếp cận thông tin không dễ, thì cộng đồng quả thực rất khó giám sát. Dường như chỉ khi “xôi đã đóng thành oản”, bất thình lình trạm thu phí được xây dựng, dự án thông tuyến, đi vào thu phí, người dân mới biết mình phải trả phí BOT.

Năm 2017, 2018, thông tin về dự án BOT nóng rẫy trên các trang báo. Trong đó, thông tin về hợp đồng dự án không được minh bạch, người dân dù là người trả phí nhưng không có đủ thông tin để giám sát, để biết đồng tiền của mình phải trả như vậy là hợp lý hay không là những vấn đề khiến dư luận bức xúc nhất. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội Bùi Danh Liên từng bất bình về việc “hợp đồng BOT một bên là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ký, một bên là doanh nghiệp ký, bên ngoài không đóng dấu mật, tại sao lại có điều khoản bảo mật?”. Chính việc thiếu thông tin nên dù ông Liên là 1 đại biểu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hà Nội cũng không có đủ cơ sở để phản biện.

Đối với dự án BT, thông tin hợp đồng dự án cũng gần như khép kín giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, trong khi với dự án BT, yêu cầu minh bạch, công khai thông tin càng cần thiết, vì dự án BT xây dựng xong bàn giao ngay, nhà đầu tư được đổi lại bằng quỹ đất. Người dân cần phải biết để xây dựng công trình này, Nhà nước đã phải trả bao nhiêu đất, cơ sở cho sự trao đổi này là như thế nào, từ đó, mới có đủ thông tin để biết tài sản công được sử dụng có hiệu quả hay không.

Ở góc độ nhà đầu tư, cách đây chục năm, họ tiếp cận dự án BOT, BT chỉ qua danh mục dự án, với vài thông số cơ bản. Rất khó để nhà đầu tư quan tâm, tham gia. Và hệ quả dường như tất yếu, chỉ 1 nhà đầu tư, thường là nhà đầu tư đề xuất dự án, quan tâm sau thời gian công bố danh mục dự án. Sau đó dự án BOT, BT thực hiện chỉ định nhà đầu tư.

Nhìn lại hơn mười năm thu hút PPP vào các dự án hạ tầng, trừ ngành điện, chúng ta chưa thu hút được nhà đầu tư nước ngoài nào. Theo như phản ánh của nhà đầu tư, ngoài những vấn đề về khung pháp lý, rủi ro ngoài tầm kiểm soát, thì sự thiếu minh bạch, cạnh tranh trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư cũng là một quan ngại lớn. Theo thông lệ quốc tế, một trong những yếu tố bảo đảm thành công của dự án PPP là sự công khai, minh bạch về dự án được coi trọng và thực hiện đầy đủ. Từ đó, tạo ra cơ chế giám sát hiệu quả, hạn chế tiêu cực, dần dần tạo ra một thị trường PPP minh bạch, lành mạnh, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và sự đồng thuận cao cho việc vận hành dự án về sau.

Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP đã tạo một bước tiến về minh bạch thông tin. Theo đó, nội dung cơ bản của hợp đồng PPP đã được ký kết sẽ phải công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia sau 7 ngày làm việc kể từ ngày ký kết. Trong đó phải công khai các thông số cơ bản để giám sát chất lượng công trình, dịch vụ nhà đầu tư cung cấp trong giai đoạn vận hành; tổng vốn đầu tư; vốn nhà đầu tư góp và huy động; phần Nhà nước tham gia thực hiện dự án (nếu có); thời hạn hợp đồng, thời điểm dự kiến chuyển giao công trình dự án (nếu có); giá, phí hàng hóa, dịch vụ; quỹ đất, tài sản công tại cơ quan nhà nước, tài sản kết cấu hạ tầng dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư hoặc quyền cùng khai thác công trình đối với dự án BT...

Tinh thần của Luật PPP tiếp tục tạo bước tiến mới về công khai, minh bạch thông tin về dự án PPP, từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đến giai đoạn thực hiện hợp đồng. Các thông tin chủ yếu phải được công bố trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, từ thông tin về quyết định chủ trương đầu tư; quyết định phê duyệt dự án PPP; thông tin về lựa chọn nhà đầu tư bao gồm: thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời thầu, danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà đầu tư; thông tin về nhà đầu tư được lựa chọn, doanh nghiệp dự án PPP. Nội dung chính của hợp đồng dự án PPP phải công bố gồm tổng mức đầu tư; cơ cấu nguồn vốn trong dự án; loại hợp đồng; thời hạn thực hiện dự án; giá, phí sản phẩm, dịch vụ; hình thức và địa điểm thu giá, phí (nếu có) và các thông tin cần thiết khác. Cùng với các thông tin khác như giá trị quyết toán vốn đầu tư công trong dự án PPP trong trường hợp có sử dụng; cơ sở dữ liệu về nhà đầu tư; thông tin giải quyết kiến nghị, xử lý vi phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP...

Trao đổi với chúng tôi, đại diện một số hiệp hội và chuyên gia cho rằng, yêu cầu công khai thông tin này góp phần tăng tính minh bạch, tính giải trình và thuận lợi cho giám sát của người dân, xã hội. Tuy nhiên, thông số lưu lượng xe theo phương án tài chính cũng nên công bố vì đó là thông số quan trọng để giám sát dự án được tính toán đúng hay không. Ngoài ra, theo tinh thần Luật PPP, dự án PPP phải quản lý theo đầu ra và giải pháp hiệu quả để giám sát chất lượng công trình BOT nói riêng, dự án PPP nói chung có đúng theo tiêu chuẩn đầu ra tại hợp đồng hay không, là nên minh bạch các thông tin về chất lượng công trình. Các dự án BOT giao thông khi bắt đầu đi vào thu phí cần có biển công bố thông tin một số tiêu chuẩn chính của công trình đã quy định trong hợp đồng. Người dân thông qua đó, nếu thấy công trình không đạt tiêu chuẩn như công bố, thì phản ánh, cơ quan nhà nước phải đến kiểm tra, dừng thu phí…

Cùng với thực tiễn triển khai dự án PPP, chính sách đối với phương thức đầu tư này ngày càng hoàn thiện. Trong đó, việc công khai thông tin dự án ngày càng tiệm cận chuẩn mực quốc tế đã củng cố niềm tin của người dân, nhà đầu tư cũng như các bên tham gia vào dự án giúp cho PPP trở thành phương thức đầu tư quan trọng góp phần phát triển đất nước.

Tin cùng chuyên mục