Những “người thầy” tốt nhất
GS. Phan Văn Trường tâm sự, từ hơn 15 năm nay, ông đã có khá nhiều dịp tiếp xúc với doanh nhân Việt, một số đang lãnh đạo những doanh nghiệp lớn, số đông là lãnh đạo những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhìn chung, họ đều thành công theo kiểu này hay kiểu nọ, thành công kiểu nào cũng được, miễn là hợp pháp, tốt cho môi trường và tạo nhiều việc làm cho xã hội.
Cảm nhận đầu tiên là họ khá đa dạng, số đông không tốt nghiệp những trường danh tiếng, mà chủ yếu học từ trường đời. Thiết tưởng, việc học trên trường đời cũng không kém phong phú và giá trị.
Có thể thấy rõ sự thay đổi trong thế hệ doanh nhân Việt Nam ngày nay, đã có những doanh nhân lớn, những người rất khôn khéo, thành công trong việc kết hợp tài năng nắm bắt thị trường với các mối quan hệ cần thiết. Ông tin là nhiều người trong số đó sẽ còn tiếp tục phát triển và thành công.
Và ông cũng mong là, chẳng may chu kỳ kinh tế có thay đổi như quy luật tự nhiên của các nền kinh tế, đặc biệt khi nền kinh tế vào chu kỳ giảm sau khi đã liên tục đà tăng trưởng mạnh thì họ có thể góp phần giúp nền kinh tế đi qua được những lúc khó khăn.
Ông cũng đã gặp nhiều doanh nhân Việt chỉ quen và gần như hoạt động chỉ dựa trên quan hệ, và nghĩ là khả năng họ thoát chu kỳ khó khăn của nền kinh tế chỉ ở mức trung bình chứ không cao. Bởi vì qua năm tháng, sự cạnh tranh càng ngày càng mãnh liệt, nhất là từ những doanh nghiệp nước ngoài.
Theo GS. Phan Văn Trường, với số lượng doanh nhân lớn nhất trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay là những ông chủ của doanh nghiệp nhỏ và vừa, tin tưởng những doanh nhân này sẽ lớn mạnh và họ sẽ có thể vượt qua được các chu kỳ khó khăn của nền kinh tế. Họ chính là lực lượng doanh nhân mà nền kinh tế Việt Nam cần và có thể vịn vào. Thực tế, họ là những doanh nghiệp cần được khuyến khích phát triển mạnh mẽ nhất. Họ có điểm hạn chế là ít hoặc chưa được thử thách trên những thị trường lớn. Do đó, họ thiếu một số kỹ năng như ngoại ngữ, tầm nhìn quốc tế cho sản phẩm, cần được Chính phủ hỗ trợ về những mặt này. Mong nhà chức trách cân đối sự hỗ trợ cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì thực tế đã chứng minh, trong mọi quốc gia, chính những doanh nghiệp nhỏ và vừa mới tạo nhiều việc làm và đóng góp nhiều nhất cho sự năng động của nền kinh tế.
Thực tế tại Việt Nam cho thấy có trào lưu học cách kinh doanh theo các doanh nhân nước ngoài, phần nhiều là doanh nhân Mỹ. Thực ra, viết sách là một công nghệ, một ngành kinh doanh của nhiều người Mỹ, hay nói một cách đơn giản là họ viết với mục đích kiếm tiền. Nhiều người viết sách thực ra còn chưa kinh doanh bao giờ và không hiểu gì về thực tế kinh doanh.
Thế nhưng, tại sao các trường dạy kinh doanh, dạy trở thành doanh nhân của Việt Nam lại áp dụng các nội dung đó? Bởi vì, đó là những thứ “có vẻ” bí ẩn và hợp thị hiếu người đọc.
Trong khi đó, rất nhiều doanh nhân Việt Nam đã vấp váp, đã thất bại và đã thành công. Họ chính là những “người thầy” tốt nhất cho các thế hệ doanh nhân Việt Nam thì chúng ta lại chưa tận dụng đúng mức. Nhiều người trong số đó sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nhân trẻ Việt Nam nhưng chúng ta chưa biết cách học hỏi từ họ.
GS. Phan Văn Trường
Nghĩ gì khi khởi nghiệp?
Doanh nhân không thể thiếu chặng đường khởi nghiệp. Ở đó, suy nghĩ và tầm nhìn của doanh nhân là vô cùng cần thiết. Đừng quên là khi khởi nghiệp, cả Bill Gates và Steve Jobs đều chỉ có 3.000 USD, nhưng ngay từ lúc manh nha kinh doanh họ đã đều nghĩ đến việc trở thành số 1 thế giới. Kết quả là họ đã đạt vị trí số 1 thế giới về nhiều mặt, từ cả công nghệ, doanh số, lợi nhuận, số sản phẩm bán được. Không biết có bao nhiêu doanh nghiệp Việt hiện nay sẵn sàng khởi nghiệp với 3.000 USD và mang tư duy bá chủ toàn cầu?
Có thể, nhiều người nghĩ rằng đó là mục tiêu xa vời với doanh nghiệp Việt Nam. Thế nhưng, gạo ST25 của Việt Nam đã được xếp hạng là gạo ngon nhất thế giới. Bên cạnh gạo, chúng ta còn có rất nhiều sản phẩm khác đã được thị trường thế giới đón nhận như sâm Ngọc Linh, nước mắm, nhiều loại dược liệu… Đã có sản phẩm tốt nhất rồi thì cái gì còn là rào cản? Câu hỏi này cần có câu trả lời đích đáng.
Điều cần làm là chúng ta phải biết cách chọn sản phẩm để vươn lên và nổi trội. Có thể đi lên từ một số thị trường ngách chứ không nhất nhất phải chạy theo các ngành “hot” như công nghệ thông tin hay các ngành công nghiệp nặng nào đó.
Đã đến lúc cần nghĩ tới thời kỳ tạo dựng một nền kinh tế Việt Nam hùng mạnh và bền vững mà nền tảng là những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để làm được nội dung này, cần xem xét một số vấn đề.
Một là, thực tế nước ta chưa sở hữu được công nghệ nào, xin nhấn mạnh trên khía cạnh sở hữu chứ không nắm giữ đơn thuần. Trong khi đó, công nghệ lại rất quan trọng, là yếu tố sống còn để một ngành hoặc một nền kinh tế có thể trụ vững.
Hai là, cần có nền tài chính hùng mạnh. Hiện thời, nền tài chính của chúng ta chưa đủ bền vững để có thể tài trợ cho việc phát triển công nghệ, nông nghiệp, du lịch. Do đó, khó lòng có các chính sách hỗ trợ có trọng tâm và lâu dài cho các mục tiêu đó.
Mặt khác, đã đến lúc phải tạo nên một xã hội với số người có thu nhập trung bình trong nền kinh tế ở mức cao. Họ là những người có khả năng chi trả và dám thử sử dụng các sản phẩm mới từ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây cũng là câu chuyện mấu chốt, là chìa khóa của khởi nghiệp.
Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là: “Làm sao để có xã hội trung lưu?”. Chẳng còn cách nào khác là một chính sách lao động mới, vừa nâng cao năng suất vừa tạo điều kiện cho thành phần lao động chuyên môn hoá.
Càng chuyên môn hoá các thành phần lao động, chúng ta sẽ càng sớm tạo nên một tầng lớp trung lưu hùng hậu. Để giải bài toán này, cần trả người lao động có chuyên môn về đúng sở trường của họ. Ví dụ như thay vì đưa người nông dân lành nghề đi làm công nhân, hãy để họ trở thành những nông dân giỏi việc làm vườn lại thạo chuyện thương trường.
Khi những yếu tố hỗ trợ như trên chưa được xây dựng vững chắc thì chúng ta không nên khuyến khích khởi nghiệp quá mạnh mẽ, bằng không chúng ta chỉ tạo thêm những thảm cảnh của nhiều bạn trẻ đã có ít vốn mà không tìm ra thị trường, dù sản phẩm của họ tốt nhưng không thể bán được thì cũng không thể thành công.
GS. Phan Văn Trường sang Pháp năm 1963 và tốt nghiệp Trường Cao đẳng quốc gia Cầu đường năm 1970. Từ năm 1970 đến khi về hưu năm 2005, ông tham gia giảng dạy tại Đại học Paris 1 - Panthéon - Sorbonne, làm tư vấn, kinh doanh, quản lý và quản trị của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới.
Sau khi về hưu, ông tập trung vào việc đóng góp cho nền giáo dục Việt Nam. Ông giảng dạy kỹ năng quản lý và lãnh đạo tại Viện John Von Neumann thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM; giảng dạy quy hoạch vùng và kinh tế đô thị tại Đại học Kiến trúc TP.HCM. GS. Phan Văn Trường được Tổng thống Pháp hai lần phong Hiệp sĩ năm 1990 và năm 2006; được Chủ tịch nước Việt Nam tặng Huy chương "Vì sự nghiệp giáo dục" năm 2010.