Toàn bộ dự án BOT, BT ngành giao thông trong giai đoạn từ 2011 - 2015 đều chỉ định nhà đầu tư. Ảnh: Lê Tiên |
Chỉ định là cơ chế xin - cho
Thực tế cho thấy, đa số dự án PPP đều thực hiện chỉ định nhà đầu tư. Theo số liệu thống kê của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), nhà đầu tư của toàn bộ các dự án BOT, BT của ngành giao thông (thực hiện theo quy định tại Nghị định số 108/2009/NĐ-CP) đều đã được xác định trước. Điều này thể hiện rõ trong báo cáo của Bộ GTVT với số lượng 71/71 dự án BOT, BT trong giai đoạn từ 2011 - 2015 đều được chỉ định. Các dự án trong lĩnh vực năng lượng (dự án nhiệt điện, thủy điện) cũng chung quy luật này. Tổng kết của Bộ KH&ĐT cho thấy, các dự án năng lượng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 108/2009/NĐ-CP đều đã được xác định trước nhà đầu tư ngay từ bước nghiên cứu tính khả thi của dự án.
Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư có hiệu lực thi hành từ năm 2015 đã mở đường cho việc hiện thực hóa các dự án PPP. Tuy vậy, dù đã có khoảng 30 dự án PPP của các bộ, ngành, địa phương được triển khai theo quy định mới, nhưng hầu hết các dự án này vẫn áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư ngay từ bước đầu hoặc sau sơ tuyển khi chỉ có một nhà đầu tư tham gia.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, bản chất của việc chỉ định nhà đầu tư dễ ảnh hưởng bởi cơ chế xin - cho, không có tính cạnh tranh. Một khi đã chỉ định thì nhà đầu tư có làm tốt đến mấy, những người sử dụng dịch vụ vẫn có quyền hoài nghi về tính minh bạch, chất lượng công trình, dự án cũng như tính hiệu quả, giá cả dịch vụ…
Nguy cơ đi ngược quy luật thị trường
Bộ KH&ĐT cũng cho biết, quá trình triển khai dự án PPP cho thấy, rất nhiều trường hợp dự án đã được các bộ, ngành, địa phương trình, xin phép cho áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư với lý do đây là dự án cấp bách. Tuy nhiên, ngược lại với lý do này, một số dự án khi được cho phép áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư lại không được triển khai ngay, mà chậm thực hiện tới 2 - 3 năm, thậm chí 5 năm.
Nhiều chuyên gia, đối tác quốc tế cho rằng, lạm dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư là chúng ta đang đi ngược lại với quy luật thị trường. Hình thức chỉ định này nếu thực hiện tràn lan còn làm giảm tính cạnh tranh, minh bạch của môi trường đầu tư. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị, cần kiên định chủ trương đúng đắn về tạo dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh, minh bạch thông qua việc hạn chế tối đa các trường hợp chỉ định nhà đầu tư.
Chia sẻ quan điểm này, ông Trần Kỳ Sơn, Chánh Thanh tra Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, chỉ định nhà đầu tư là không tiệm cận với những giá trị cốt lõi của đấu thầu rộng rãi (cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế). Theo lý giải của ông Sơn, những dự án PPP được triển khai theo quy định mới thời gian qua phần lớn vẫn thực hiện chỉ định nhà đầu tư là do các dự án này chưa thực sự hấp dẫn. Đây là lý do khiến phần lớn các dự án PPP dù có đưa ra đấu thầu rộng rãi thì cũng chỉ có duy nhất 1 nhà đầu tư tham gia.