Tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai. |
Không chỉ đơn giản rút ngắn một nửa thời gian đi lại, con đường huyết mạch này còn gắn trên mình trọng trách nặng nề về một kỳ vọng thay da đổi thịt cho các tỉnh nghèo Tây Bắc. Thế nhưng sau khi vận hành khai thác, hành khách và lái xe luôn nơm nớp nỗi lo tai nạn, cảm giác tính mạng mong manh trên từng cây số.
Tràn lan vi phạm
Những ngày tháng 3 này, cùng với chất lượng đường sá ngày càng có biểu hiện xuống cấp, những hiểm nguy luôn rình rập từ hai bên đường đang thực sự là mối lo ngại với bất cứ phương tiện nào lưu thông trên tuyến.
Từ Hà Nội lên, đoạn qua địa phận Văn Quán (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), hơn 20 ô rào chắn B40 có chiều dài hơn 60m bị tháo dỡ chỉ còn trơ cột sắt. Lưới thép bị tháo hoàn toàn làm lối đi lại và chăn thả gia súc. Thậm chí, nhiều cột đỡ cũng bị tháo dỡ, di chuyển khỏi vị trí lắp đặt. Khoảng đất trống từ hàng rào này ra hộ lan đường cao tốc thì được người dân địa phương tận dụng trồng cỏ, rau màu hoặc thả gia súc... Không ít người dân còn tỏ ra ngạc nhiên trước thông tin PV cho biết đây là khu vực cấm. Suốt dọc đường đi, tình trạng này cũng xuất hiện nhan nhản ở các địa phương khác.
Tại “điểm đen” Km 55+400 đoạn qua địa phận tỉnh Phú Thọ, cảnh bắt xe của người dân diễn ra vô cùng tấp nập. Không chỉ thanh niên trai tráng “làm xiếc” với sự an toàn của chính bản thân bằng cách chạy qua chạy lại trước những mũi xe vun vút, nhiều phụ nữ và trẻ em cũng thản nhiên vượt qua rào B40 đoạn cầu chui tỉnh lộ 302B để đón xe. Còn buổi chiều mỗi ngày, điểm đen này lại càng đông đúc hơn khi xuất hiện thêm phi đội xe ôm trực chờ xe giường nằm tới. Nhiều xe dừng giữa làn khẩn cấp, làn tốc độ cao để đón, trả khách một cách vô tội vạ. Thậm chí mỗi khi có khách nhỡ xe, nhiều người làm nghề xe ôm sẵn sàng nhấc xe qua hàng hộ lan vào cao tốc để chở khách với giá 20.000 đồng/lượt. Ghi nhận dọc cao tốc, nhiều nơi người dân còn mở hàng nước, điểm bán vé xe khách kích thích nhu cầu vận tải lấy lợi nhuận. Đoạn qua địa phận tỉnh Phú Thọ còn xuất hiện điểm bán vé xe khách giường nằm của nhà xe Hà Sơn, Hải Vân...
Không chỉ bát nháo bởi ý thức của những người dân sống 2 bên bờ rào, chúng tôi cũng ghi nhận nhiều hiểm họa giao thông xuất phát từ chính những vật nuôi. Cụ thể chiều 29.3, rất nhiều ôtô đi hướng Hà Nội - Lào Cai qua địa phận huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đã phải giảm tốc độ đột ngột nếu không muốn gặp nạn bởi một chú chó chạy trên đường.
Cũng liên quan đến vấn đề này, bất chấp các nỗ lực cấm đoán, khoảng đất trống từ hàng rào đến hộ lan đường vẫn là nơi chăn thả gia súc ưa thích của nhiều bà con như trâu, bò...
Một xe khách vô tư đón trả khách trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Xe khách bị ném đá, ném sơn trên cao tốc
Cũng trong tháng 3.2016, lại một sự cố khác tiếp tục xảy đến với cao tốc dài và hiện đại bậc nhất này khiến dư luận càng cảm thấy bất an. Đó là tình trạng xe khách bị ném đá, ném sơn. Theo thông tin từ Trung tâm điều hành đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tối 14.3, tại km7+800 (địa phận xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) hướng Hà Nội đi Lào Cai, xe khách giường nằm Hồng Long bị một số kẻ ném đá, sơn vào kính chắn gió và thành xe khiến kính chắn gió trước rạn vỡ, hai bên thành xe bị nhiều vết sơn dính bám. Bị ảnh hưởng tầm nhìn, lái xe Nguyễn Thanh Phong đã dừng khẩn cấp, không có hậu quả nghiêm trọng. Theo lái xe, anh nhìn thấy 4 thanh niên nhảy ra ném đá, ném sơn và bỏ chạy. Nguyên nhân được nhà xe nhận định là bị trả thù do không đưa khách vào ăn tại một quán khu vực huyện Sóc Sơn.
Ông Đỗ Chí Chung - Chánh văn phòng Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc VN (VEC) là đơn vị chủ đầu tư cũng như quản lý toàn bộ tuyến cao tốc cho biết: Sau khi cao tốc Nội Bài - Lào Cai đưa vào khai thác, đã xuất hiện tình trạng nhiều hộ dân kinh doanh dịch vụ ăn uống, bán nước mui… lấn chiếm trái phép hành lang an toàn giao thông, tạo thành điểm dừng đỗ trái phép cho các phương tiện, làm mất mỹ quan hai bên đường và đặc biệt là gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, trốn phí.
Bên cạnh đó, ông Chung cũng thừa nhận tình trạng phương tiện dừng đỗ trái phép trên cao tốc đón trả khách; người dân hai bên đường phá hàng rào, hộ lan, phớt lờ quy định cố tình đi xe máy vào đường cao tốc; chăn thả trâu bò, trồng hoa màu trong hành lang đường bộ cao tốc và lên đường cao tốc để tham gia giao thông và bắt xe khách... Và đây cũng được cho là nguyên nhân chính dẫn đến hàng chục vụ TNGT thảm khốc trong suốt thời gian qua.
Vị chánh văn phòng thông tin thêm, phía tổng Cty thường xuyên tiến hành rà soát các vị trí điểm mở và vị trí hàng rào bị phá dỡ, áp dụng nhiều biện pháp xử lý, tuy nhiên do ý thức của một số người dân chưa cao nên vẫn tồn tại tình trạng một số vị trí sau khi hàn, sửa chữa hàng rào, người dân tiếp tục phá dỡ trái phép...
Còn Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, chiều 31.3, sau khi nghe báo cáo về những bất cập trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cũng đã chỉ đạo các đơn vị cấp dưới phối hợp cùng các cơ quan chức năng khác vào cuộc giải quyết những tồn tại trên tuyến cao tốc trong tháng 4. Vậy, liệu những giải pháp đồng bộ này có đạt được kết quả? Nguyên nhân sâu xa của những xung đột này là gì? Tại sao mọi nỗ lực hàn gắn, tuyên truyền đều không đem đến kết quả khả quan? Và đâu mới là giải pháp hợp lý nhất? Báo Lao Động sẽ thông tin trong kỳ tới...
(Còn tiếp)