Hiệu phó kiếm hơn một tỷ đồng sau 4 đêm nâng điểm

Bị can Đỗ Mạnh Tuấn (Hiệu phó trường dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy) nhận tiền cảm ơn hơn một tỷ đồng sau 4 đêm đột nhập nâng điểm cho 35 thí sinh.

Kết luận điều tra bổ sung lần hai vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 ban hành cuối tháng 9 xác định Đỗ Mạnh Tuấn (40 tuổi, Hiệu phó trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy) được ông Nguyễn Quang Vinh (Phó ban chấm thi, Trưởng phòng khảo thí - Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình) lựa chọn làm ủy viên tổ chấm bài thi trắc nghiệm vào phút chót.

Biết ông Tuấn được chấm thi, tháng 6/2018, bị can Hồ Chúc (44 tuổi, giáo viên trường PTTH Thanh Hà, huyện Lạc Thủy) nhờ nâng điểm thi cho hai thí sinh. Khi chấm, ông Tuấn đã sửa chữa, nâng điểm bài thi trắc nghiệm cho hai thí sinh này. Có kết quả như yêu cầu, Hồ Chúc cảm ơn hiệu phó Tuấn bằng 300 triệu đồng.

Bị can Đỗ Mạnh Tuấn. Ảnh: Công an cung cấp.

Đây chỉ là một trong 35 thí sinh được bị can Tuấn trực tiếp nhận sửa điểm. Trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, ông Vinh và Tuấn đã nhận nâng điểm cho tổng cộng 65 thí sinh qua 142 bài thi trắc nghiệm, 20 bài thi tự luận ngữ văn

Kết luận của cơ quan điều tra nhận định, ông Vinh và Tuấn đều nhận lời qua người trung gian chứ không tiếp xúc trực tiếp với gia đình thí sinh. Ông Tuấn khai được Đào Ngọc Thuật (39 tuổi, giáo viên) đưa 250 triệu đồng để "cảm ơn", ông Khương Ngọc Chất (44 tuổi, cựu trưởng phòng an ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hòa Bình) đưa 500 triệu đồng khi nhờ nâng điểm cho hai thí sinh. "Tuy nhiên, cơ quan điều tra không đủ căn cứ kết luận phạm tội đưa, nhận hối lộ với các khoản tiền nêu trên", kết luận nêu.

Trước khi hành vi phạm tội bị phát hiện, ngày 28/7/2018 bị can Tuấn đã đến cơ quan điều tra tự thú và nộp số tiền 550 triệu đồng hưởng lợi bất chính. Nhà chức trách sau đó chỉ xử lý tội Nhận hối lộ với ông Tuấn về 300 triệu đồng nhận từ Hồ Chúc. Người đưa vì thế cũng bị đề nghị truy tố về tội Đưa hối lộ.

Ngoài ra, ông Tuấn còn cùng ông Vinh, Đào Ngọc Thuật, Khương Ngọc Chất và 10 người (là cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh Hòa Bình, giáo viên) bị cơ quan điều tra đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Cùng sai phạm gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018, tại hai vụ án xảy ra ở Sơn La và Hà Giang không ai bị xét xử về tội Nhận hối lộ. Hai vụ án này đã khép lại quá trình điều tra, chuẩn bị mở phiên tòa vào ngày 14-15/10.

Trong vụ án tại Sơn La, người bị cáo buộc nâng điểm là bị can Trần Xuân Yến (48 tuổi, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, tổ trưởng tổ xử lý bài thi trắc nghiệm) cùng một nhóm cán bộ giáo dục Nguyễn Thị Hồng Nga, Lò Văn Huynh, Đặng Hữu Thủy, Cầm Thị Bun Sọn vừa làm đầu mối tiếp nhận, vừa trực tiếp nâng điểm.

Quá trình điều tra, 4 bị can khai có nhận tiền cảm ơn từ người trung gian hoặc trực tiếp từ người nhà thí sinh có yêu cầu can thiệp điểm. Cụ thể, Nguyễn Thị Hồng Nga (52 tuổi, chuyên viên khảo thí, thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm) nhận hơn một tỷ đồng sau khi nâng điểm cho 4 thí sinh. Cầm Thị Bun Sọn (50 tuổi, thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm) nhận 440 triệu đồng khi nâng điểm thành công cho một thí sinh. Lò Văn Huynh (58 tuổi, cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo, phó trưởng ban chấm thi phụ trách chấm thi tự luận ngữ văn) nhận 1,3 tỷ đồng để giúp sửa, nâng điểm cho ba thí sinh. Đặng Hữu Thủy (55 tuổi, thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm) khai đã nhận 500 triệu đồng để nâng điểm cho 4 thí sinh. Số tiền bất chính này, các bị can đều nộp để tạm giữ hoặc khai đã trả lại gia đình thí sinh.

Cựu phó trưởng phòng Khảo thí Lò Văn Huynh. 

Theo cơ quan tố tụng, hành vi nhận tiền, thỏa thuận sẽ nhận tiền để sửa nâng điểm cho các thí sinh của các bị can có dấu hiệu phạm các tội: Nhận hối lộ, Đưa hối lộ và Môi giới hối lộ. Song kết quả điều tra thể hiện, những người mà các bị can khai đưa tiền cho mình đều không thừa nhận việc thỏa thuận và đưa tiền. Ngoài lời khai của Nga, Sọn, Huynh, Thủy và số tiền đã nộp cơ quan điều tra, không có tài liệu chứng cứ nào khác để chứng minh hành vi phạm tội.

"Do đó, không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nga, Sọn, Huynh, Thủy về tội Nhận hối lộ và cũng không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp bị tố cáo về các tội Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ", cáo trạng nêu.

Trong vụ án xảy ra tại tỉnh Hà Giang, hơn 100 thí sinh được can thiệp, nâng điểm. Tuy nhiên, cơ quan an ninh điều tra cho biết dù đã áp dụng tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật nhưng không thu thập được chứng cứ để chứng minh có yếu tố vụ lợi. Theo đó, không gia đình nào khai có đưa tiền mặt hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị để nhờ nâng điểm. Các bị can trong vụ án cũng không thừa nhận được cảm ơn bằng vật chất mà chỉ giúp nâng điểm do mối quan hệ quen biết, bạn bè, người thân.

Tin cùng chuyên mục