Hiệu quả từ đổi mới trong công tác lập kế hoạch

(BĐT) - Trong hai năm trở lại đây, công tác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), kế hoạch đầu tư công hàng năm đã có nhiều đổi mới trong cách thức thực hiện. 
Lần đầu tiên Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội 2018 và xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2019. Ảnh: Trương Gia
Lần đầu tiên Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội 2018 và xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2019. Ảnh: Trương Gia

Hiệu quả đem lại không chỉ giúp giảm thời gian, chi phí, mà còn góp phần thể hiện bộ máy Chính phủ ngày càng minh bạch, năng động, cải cách, liên tục thay đổi cách thức điều hành để phù hợp với bối cảnh mới.

Không chỉ là đổi mới cách thức họp

Hai năm trở lại đây, Bộ KH&ĐT đã chủ động đổi mới cả về nội dung và phương pháp xây dựng kế hoạch. Về nội dung, tập trung vào mục tiêu hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối vĩ mô; gắn kết giữa mục tiêu ngắn hạn với mục tiêu trung, dài hạn; tạo nền tảng phát triển hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội. Kế hoạch phát triển KT-XH cũng tập trung giải quyết hài hòa những vấn đề bức xúc trước mắt với các mục tiêu phát triển lâu dài; ưu tiên nguồn lực cho các dự án lớn, có tác động lan tỏa.

Về phương pháp, trước đây, các cuộc họp để chuẩn bị cho lập kế hoạch phát triển KT-XH, kế hoạch đầu tư công năm sau, hàng năm, các địa phương về Bộ KH&ĐT họp, trao đổi về công tác xây dựng kế hoạch, đánh giá tình hình thực hiện các tháng đầu năm, dự kiến kế hoạch các tháng cuối năm. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ năm 2017, Bộ KH&ĐT nhận thấy phương thức này không còn phù hợp với thực tế và đã đổi mới cách làm. Thay vì họp với từng địa phương, Bộ tổ chức họp theo vùng.

Việc tổ chức theo vùng được lãnh đạo các địa phương đánh giá là bước đổi mới đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Các địa phương được ngồi lại cùng nhau, đưa ra bức tranh KT-XH của từng địa phương và các địa phương có thể giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và nắm được tình hình của các địa phương bạn để có được bức tranh tổng thể về phát triển KT-XH chung của cả nước, cũng như của từng tỉnh, từng vùng. Từ đó tăng hiệu quả trao đổi, kết quả, cách làm tốt cũng như vướng mắc, khó khăn, giải pháp đối với mỗi địa phương sẽ là nguồn thông tin chung cho các địa phương khác tham khảo, chia sẻ.

Tiếp tục cải cách, ngày 24/9/2018, lần đầu tiên Bộ KH&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình phát triển KT-XH năm 2018 và xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019.

Theo đánh giá của các địa phương, việc tổ chức Hội nghị trực tuyến với tất cả các tỉnh, thành phố đã rút ngắn thời gian, chi phí, diện bao phủ rộng, nhiều người nghe, trao đổi, nắm được tình hình để triển khai thực hiện. Cách làm này phù hợp với xu thế đẩy mạnh Chính phủ điện tử, nền kinh tế số, góp phần khẳng định tinh thần đổi mới mạnh mẽ của ngành KH&ĐT để triển khai nhanh, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ đề ra.

Cải cách mạnh mẽ trong lập, giao kế hoạch vốn

Bộ KH&ĐT cho biết, cơ chế giao kế hoạch vốn đã được đổi mới theo hướng giao tổng mức vốn, còn việc bố trí cụ thể ủy quyền cho các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở tiêu chí, nguyên tắc đã đưa ra.

Thực tế trong công tác giao kế hoạch vốn năm 2018, Bộ KH&ĐT đã chủ động đề xuất đẩy mạnh phân cấp, đơn giản quy trình. Ngay từ tháng 7/2017, Bộ KH&ĐT đã xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí lập kế hoạch đầu tư công năm 2018 theo hướng đơn giản hóa, tăng quyền chủ động tối đa cho các địa phương. Bộ chỉ thông báo tổng nguồn vốn kế hoạch năm 2018, các địa phương chủ động lựa chọn chương trình mục tiêu, danh mục dự án và mức vốn bố trí cụ thể phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển của từng địa phương nhưng phải bảo đảm theo thứ tự ưu tiên đã quy định.

Về kế hoạch đầu tư công năm 2019, thực tế số liệu của các địa phương cho thấy dự kiến nguồn lực đầu tư công năm 2019 nguồn vốn ngân sách trung ương rất hạn hẹp. Trong điều kiện nguồn lực như vậy, lãnh đạo Bộ đã sớm quán triệt tinh thần tổng hợp nhanh, giao vốn gọn, tiếp tục giao vốn 1 lần, để bước vào những ngày đầu tiên của năm mới có thể triển khai giải ngân được ngay.

Đặc biệt, Bộ đã tin học hóa toàn diện, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào công tác xây dựng kế hoạch. Bộ KH&ĐT đã triển khai xây dựng toàn bộ kế hoạch 2018 trên hệ thống công nghệ thông tin trực tuyến. Đánh giá kết quả sau 1 năm triển khai, Bộ KH&ĐT cho biết, việc sử dụng hệ thống thông tin trực tuyến để quản lý và giao vốn năm 2018 đã minh bạch hóa, công khai toàn bộ quá trình xây dựng kế hoạch thông qua Hệ thống thông tin đầu tư công quốc gia; giảm thủ tục hành chính và thời gian, sai sót trong quá trình làm kế hoạch đầu tư công hàng năm. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát của Quốc hội, HĐND, bộ, ngành, địa phương, cơ quan thanh, kiểm tra trong việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công…