Pháp nhân có hành vi cố ý trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ảnh: Lê Tiên |
Pháp nhân phạm tội bị cấm huy động vốn
Cụ thể, theo Bộ luật Hình sự sửa đổi, pháp nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi buôn lậu; vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; sản xuất, buôn bán hàng cấm; tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; sản xuất, buôn bán hàng giả; đầu cơ; trốn thuế; in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ… Pháp nhân có hành vi cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán; sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; tội thao túng thị trường chứng khoán; gian lận trong kinh doanh bảo hiểm; tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; tội vi phạm quy định về cạnh tranh; xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp… cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu vi phạm các tội kể trên, pháp nhân có thể bị phạt tiền với mức tối thiểu là 50 triệu đồng, ngoài ra còn có thể bị đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn, gồm cấm vay vốn ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc các quỹ đầu tư; cấm phát hành, chào bán chứng khoán; cấm huy động vốn khách hàng; cấm liên doanh, liên kết trong và ngoài nước; cấm hình thành quỹ tín thác bất động sản.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào Bộ luật Hình sự là nội dung thay đổi quan trọng trong chính sách hình sự, khẳng định quan điểm của Nhà nước ta trong việc xử lý nghiêm minh pháp nhân vi phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. “Quy định này không chỉ bảo đảm sự thống nhất chung của hệ thống pháp luật mà còn nhằm thực thi các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm công bằng giữa pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài và pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Hiện cho biết.
Ông Trần Hồng Hà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội coi hình sự hóa trách nhiệm pháp nhân là một trong những nội dung mang tính đột phá, thể hiện sự đổi mới nhận thức trong việc sửa đổi Bộ luật Hình sự lần này. “Việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thời điểm này là cần thiết vì tình hình vi phạm pháp luật do pháp nhân thực hiện diễn ra phức tạp, ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng, gây hậu quả xấu đến môi trường sống của người dân, đồng thời gây mất trật tự an toàn xã hội”, ông Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Băn khoăn khi triển khai
Theo ông Trần Hồng Hà, quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân sẽ tạo ra cơ sở pháp lý để quy định trình tự, thủ tục tố tụng hình sự chặt chẽ đối với pháp nhân, góp phần bảo đảm khách quan, hiệu quả hơn trong việc xử lý hành vi vi phạm của pháp nhân so với các chế định, chế tài xử lý hiện hành, đồng thời tăng cường bảo vệ quyền lợi của người dân khi thực hiện khiếu nại và khởi kiện.
Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam, quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phòng, chống vi phạm pháp luật của pháp nhân, đảm bảo công khai, minh bạch trong áp dụng chế tài. “Việc quy định pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự cũng là một cách để phòng chống, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật có hiệu quả, công khai, minh bạch, chặt chẽ”, ông Thân Đức Nam kỳ vọng.
Hình sự hóa trách nhiệm của pháp nhân, theo ông Tô Văn Tám, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội là thể hiện thái độ nghiêm khắc của Nhà nước đối với các hành vi vi phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và nguyện vọng của Nhân dân.
“Hình sự hóa trách nhiệm của pháp nhân là việc làm hoàn toàn đúng đắn và thiết thực, phù hợp với đặc điểm, điều kiện, hoàn cảnh đất nước cũng như xu thế phát triển của xã hội”, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ông Nguyễn Thành Bộ nhận định.
Trước khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực thi hành (1/7/2016), Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Phạm Đức Châu băn khoăn trong thực tế áp dụng hình sự hóa tội phạm của pháp nhân, vì dễ dẫn đến vướng mắc nếu không gắn trách nhiệm của cá nhân với pháp nhân. Ông Phạm Đức Châu lấy ví dụ, doanh nghiệp bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tòa án phạt tiền, yêu cầu đền bù thiệt hại gây ra, và khôi phục tình trạng ban đầu, nhưng doanh nghiệp tự giải thể, đóng cửa, ngừng hoạt động, không chấp hành bản án của tòa án thì không có cách gì bắt buộc doanh nghiệp này phải thi hành án nếu không quy trách nhiệm cho từng thành viên HĐQT, ban lãnh đạo, cá nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật của doanh nghiệp.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự sửa đổi, việc pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân. Quy định này, theo cách hiểu của bà Lưu Thị Huyền, Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình là cả cá nhân và pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự về cùng một tội phạm trong cùng một vụ án. “Nếu cả cá nhân và pháp nhân cùng phải chịu trách nhiệm hình sự về cùng một tội phạm trong cùng một vụ án thì rất khó xác định phạm vi, mức độ chịu trách nhiệm của từng chủ thể cũng như khó áp dụng mức hình phạt. Còn về tố tụng hình sự, nếu cả pháp nhân và cá nhân cùng phải chịu trách nhiệm hình sự thì ai là chủ thể tham gia tố tụng của pháp nhân, thủ tục tố tụng ra sao, áp dụng các biện pháp ngăn chặn như thế nào?”, bà Huyền băn khoăn.