Hồ Chí Minh, biểu tượng đại đoàn kết dân tộc

(BĐT) - Dân tộc Việt Nam, muôn đời nay, vốn dĩ là một dân tộc văn hiến. Trên mảnh đất hình chữ S đã sản sinh ra biết bao anh hùng hào kiệt làm rạng ngời hào khí núi sông như: Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Hồ Chí Minh... 
Trong số những anh hùng hào kiệt của dân tộc, Hồ Chí Minh vượt lên như một ngôi sao sáng chói, có sức hấp dẫn lạ kỳ
Trong số những anh hùng hào kiệt của dân tộc, Hồ Chí Minh vượt lên như một ngôi sao sáng chói, có sức hấp dẫn lạ kỳ

Trong số những anh hùng hào kiệt của dân tộc, Hồ Chí Minh vượt lên như một ngôi sao sáng chói, có sức hấp dẫn lạ kỳ, nói theo ngôn ngữ của lãnh tụ Đảng Cộng sản Liên Xô Khơrútsốp, bằng uy tín của mình đối với đồng bào trong nước, “Hồ Chí Minh xứng đáng là một vị thánh, nhưng đó lại là vị thánh cách mạng”.

Tiêu biểu cho trí tuệ, văn hóa ứng xử Việt Nam

Trên thế giới, việc nghiên cứu di sản Hồ Chí Minh được đặt ra từ rất sớm và có những đánh giá rất nhất quán. Ngay từ tháng 12 năm 1923, khi tiếp xúc với Nguyễn Ái Quốc, nhà thơ - nhà báo Xô viết Ô. Manđenxtam đã có nhận xét tinh tế: Từ Nguyễn Ái Quốc toả ra một thứ văn hoá, không phải là văn hoá châu Âu mà có lẽ là nền văn hoá tương lai... Qua tác phong thanh cao, qua giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy được sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái vô sản toàn thế giới.  

Khóa họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 24 tại Paris, từ ngày 20/10 đến ngày 20/11/1987, đã thông qua Nghị quyết 24/C18.65 về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Nghị quyết khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh là “một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội... Những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”. Nghị quyết khuyến nghị các quốc gia tổ chức các hoạt động cụ thể tưởng niệm Người, “qua đó làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người”.

Rất nhiều nhà nghiên cứu đều khẳng định Hồ Chí Minh tiêu biểu cho trí tuệ, văn hóa ứng xử Việt Nam. Tiến sĩ H. Atmét, Giám đốc UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đại diện đặc biệt của Tổng giám đốc UNESCO, khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh “là một trong những động lực đầu tiên của phong trào chống thực dân thời kỳ sau đại chiến thế giới thứ hai ở châu Á, và là một trong những lãnh tụ có ảnh hưởng nhiều nhất của các dân tộc ở thế kỷ XX... Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người đã giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà cũng là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi Trái đất này”.

Ngày nay, tuy thế giới đã và đang có nhiều đổi thay nhưng di sản Hồ Chí Minh thì không hề thay đổi. Thế giới vẫn dành những từ đẹp nhất để nói, viết về Người - Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa lớn. Thời gian càng lùi xa, những cống hiến của Hồ Chí Minh cho nhân loại tiến bộ vì những mục tiêu chung như hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội càng rõ rệt hơn. Và như vậy, rõ ràng là tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn nguyên giá trị thời đại. Điều quan trọng là không phải chúng ta chỉ nâng niu mà cũng phải lưu truyền giá trị đó trên khắp hành tinh trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay để biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc luôn là ngọn cờ giương và tỏa sáng.    

Sức cảm hóa và quy tụ nhân tâm

Tại Việt Nam, vào những năm 20, 30 của thế kỷ trước, khi Hồ Chí Minh chưa trở thành lãnh tụ, mới xuất hiện trên vũ đài chính trị, nhiều người Việt Nam đã hướng về Người với niềm tin tưởng lớn lao về một sự phục sinh dân tộc. Nhiều bậc sỹ phu, ngay cả cụ Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu rất hy vọng, tin tưởng vào Nguyễn Ái Quốc, bởi các cụ biết rằng sứ mệnh lịch sử dân tộc đã được đặt lên vai con người xứng đáng cả đức - tài, phẩm hạnh - nhân cách. Như vậy, dễ nhận biết một điều, ngay từ buổi ban đầu, bằng sức mạnh của ý chí, khát vọng, Hồ Chí Minh đã có sức cảm hóa và quy tụ nhân tâm.

Từ khi Hồ Chí Minh trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (tháng 1/1941) và nhất là sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám (1945), Hồ Chí Minh thật sự trở thành biểu tượng của dân tộc. Từ Mục Nam Quan, đến Mũi Cà Mau, toàn dân Việt Nam hướng về Người như hướng về ánh sáng độc lập, tự do, hướng về tương lai, tiền đồ tươi sáng của dân tộc. Niềm tin của nhân dân ta vào vị lãnh tụ của mình là tuyệt đối. Tin đến mức, muốn gửi gắm vào Hồ Chí Minh trọn vẹn cả cơ đồ dân chủ; người dân Hà Nội viết thư yêu cầu Người không cần ra tranh cử mà nghiễm nhiên đã trở thành Chủ tịch của nước Việt Nam mới, bởi những việc Bác đã làm cho dân, cho nước thật sự xứng đáng đứng vào vị trí đó. Tin đến mức, khi nghe theo lời kêu gọi của Hồ Chí Minh, để có nguồn lực tài chính cần thiết bảo vệ nền độc lập non trẻ vừa giành được từ tay đế quốc thực dân, chỉ trong vòng một tuần lễ (từ ngày 17 đến ngày 24/9/1945), không phân biệt giai cấp, tôn giáo, toàn dân đã quyên góp được 20 triệu đồng và 370 kg vàng. Thế mới thấy được sức mạnh của lòng dân, sức mạnh của niềm tin dân chúng vào vị lãnh tụ tối cao của đồng bào mình!

Nghe và tin theo Hồ Chí Minh, cả dân tộc xuống đường, với tất cả vũ khí trong tay kháng chiến kiến quốc, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Trên khắp mọi nẻo đường đất nước, ở tiền tuyến hay ở hậu phương, con em đất Việt hướng về Bác Hồ như hướng về một niềm tin tất thắng. Nhiều chiến sỹ quả cảm sẵn sàng hy sinh: Lấy thân mình lấp lỗ châu mai, chèn pháo, làm giá súng, trước khi mất vẫn dùng hơi thở cuối cùng gọi tên Bác Hồ kính mến; quyết tâm đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững nền tự do, độc lập.

Trong kháng chiến chống Mỹ, đồng bào miền Nam, dẫu chưa một lần được gặp Bác Hồ, vẫn chiến đấu ngoan cường vì tên gọi Việt Nam và tên gọi Hồ Chí Minh. Nhiều dân tộc Tây Nguyên, ở Quảng Bình, để gửi gắm niềm tin, hy vọng đã lấy họ Hồ làm họ của mình; nhiều chiến sỹ lấy máu của mình vẽ chân dung lãnh tụ, viết thư nói lại tâm nguyện cuối cùng là được lấy máu thịt mình vun xới cho cây đời tự do, độc lập. Nhiều nơi trong vùng tạm chiếm, người dân đã tự xây dựng đền thờ Hồ Chí Minh và bằng mọi giá bảo vệ chốn linh thiêng không cho phép kẻ thù phá hoại... Niềm tin của nhân dân đã biến thành hành động, thành sức mạnh không súng ống, đạn dược nào phá nổi. Hồ Chí Minh đã sống trọn vẹn trong tâm tưởng của nhân dân như một lẽ tự nhiên và chân lý ở đời, như mạch nước tuôn trào không bao giờ ngưng nghỉ, không bao giờ đứt gãy.

Ngày Bác Hồ đi vào cõi vĩnh hằng là ngày cả dân tộc khóc: Từ cụ già râu tóc bạc phơ cho đến em thơ đã tuôn trào nước mắt. Trạng thái tình cảm tự nhiên này xuất phát tự đáy lòng, mỗi người Việt Nam như cảm thấy mất đi người thân ruột thịt.

Người dân Việt Nam thành kính, tin tưởng, hướng về Hồ Chí Minh không gì chia cắt được bằng cảm nhận đời thường những gì mà Vị lãnh tụ đã đưa lại cho họ: Độc lập, tự do; thoát khỏi gông cùm nô lệ; có đất ruộng để cấy cày; có trường học cho con thơ đến trường; có bệnh viện để khám chữa bệnh; có môi trường chính trị ổn định để sống và phát triển... Niềm tin của dân vào Hồ Chí Minh không viển vông mà thực tế. Thực tế, hiện thực, cho dù ở đâu và khi nào cũng vẫn cứ là chân lý; mà chân lý thì không ai có thể phủ nhận và chối bỏ được.

Đã hơn 105 năm kể từ ngày Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, hơn 47 năm Bác Hồ đi vào cõi vĩnh hằng. Đất nước, con người Việt Nam đã có nhiều thay đổi, nhưng tình cảm của nhân dân không hề vơi cạn, ngày càng sâu sắc, đậm nét hơn. Nhiều địa phương, nhân dân tự nguyện lập đền thờ Hồ Chí Minh nhằm ghi công Người và coi đó như chốn linh thiêng giúp con người sống làm người tốt hơn, lương thiện hơn, đẩy lùi cái ác, cái xấu vốn dĩ lúc nào cũng có. Hàng ngày, các dòng người vẫn tiếp nối nhau vào Lăng viếng Bác; nhiều người coi đó như một tâm nguyện phải làm trước khi nhắm mắt xuôi tay. Tình cảm sâu lắng đó là hoàn toàn tự giác, tự nhiên như muôn mạch máu luôn chảy mãi về tim.

Như một lẽ tự nhiên, tin tưởng, biết ơn, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một sự tri ân mang hàm nghĩa văn hoá. Để ở đời và làm người đúng nghĩa, thế hệ hôm nay, tiếp nối các thế hệ cha anh hôm qua, bằng suy nghĩ, nhận thức và hành động, tự trong sâu thẳm trái tim mình, cố gắng bồi đắp, củng cố và làm phát sáng tượng đài bất tử Hồ Chí Minh trong lòng đồng bào đất Việt, trong nước và cả ở nước ngoài.