Ảnh Internet |
Để vay vốn, các hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành doanh nghiệp (CN) hoặc chủ hộ phải tự đứng tên vay, bởi theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân, cá nhân. Do đó, NHNN đã bổ sung quy định về khách hàng vay tại tổ chức tín dụng chỉ là pháp nhân, cá nhân tại Thông tư 39 và Thông tư 43 để phù hợp với Bộ luật này.
Theo NHNN, trường hợp vay phục vụ hoạt động kinh doanh, cá nhân có thể vay để đáp ứng nhu cầu vốn của chính cá nhân đó và nhu cầu vốn của hộ kinh doanh, DN tư nhân mà cá nhân đó là chủ. Tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp NHNN có quy định về lãi suất cho vay tối đa.
Theo số liệu từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện Việt Nam có khoảng trên 5 triệu hộ kinh doanh phi chính thức và chính thức. Sở dĩ Việt Nam có nhiều hộ kinh doanh nhỏ dù quy mô của họ tương đối lớn như một DN là do các đơn vị còn né tránh vấn đề liên quan đến các chính sách thuế cũng như thủ tục hành chính. Vì vậy, Chương trình chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN được cho là chương trình then chốt trong mục tiêu đạt 1 triệu DN hoạt động có hiệu quả vào năm 2020.