Hỗ trợ tối đa đầu tư phát triển vắc xin phòng Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - “Cần có nhiều giải pháp đột phá, dài hạn” là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trong Thông báo kết luận buổi làm việc với Bộ Y tế mới đây nhằm khắc phục những bất cập về cơ chế, chính sách, phát huy hết khả năng, tiềm năng của khoa học trong lĩnh vực y tế, thúc đẩy sản xuất, chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ sản xuất vắc xin phòng Covid-19.
Cả nước hiện có 4 nhà sản xuất nghiên cứu vắc xin phòng Covid-19. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Cả nước hiện có 4 nhà sản xuất nghiên cứu vắc xin phòng Covid-19. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Những bước tiến lớn

Theo Bộ Y tế, cả nước hiện có 4 nhà sản xuất nghiên cứu vắc xin phòng Covid-19 theo các hướng công nghệ khác nhau. Trong đó, Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) sử dụng công nghệ cài đặt kháng nguyên SARS-CoV-2 trên giá thể là vi rút Baculo; Viện Vắc xin và Sinh phẩm Nha Trang (IVAC) sử dụng công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi nghiên cứu vắc xin COVIVAC; Công ty CP Công nghệ sinh học Dược Nanogen (NANOGEN) phát triển Nanocovax là vắc xin tiểu thể (sub-unit) dựa trên protein gai của SARS-CoV-2 sử dụng công nghệ protein tái tổ hợp; Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC) sử dụng công nghệ cài đặt kháng nguyên SARS-CoV-2 trên giá thể là vi rút sởi.

Hiện nay, vắc xin Nanocovax giai đoạn 3 đã hoàn thành mũi tiêm thứ 2 cho hơn 1.000 tình nguyện viên đầu tiên. Ngày 27/7 sẽ tiến hành tiêm mũi 2 cho 12.000 tình nguyện viên còn lại. Nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành các công đoạn tổng hợp, phân tích và làm báo cáo gửi Bộ Y tế dự kiến vào ngày 15/8. Vắc xin COVIVAC đã hoàn thành giai đoạn 1, có tính an toàn tốt, sinh miễn dịch khả quan, đang triển khai giai đoạn 2.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cho biết thêm, Việt Nam đã đạt được một số thoả thuận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin của Mỹ và Nga, cũng như thoả thuận hỗ trợ các đơn vị trong nước đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm lâm sàng và đảm bảo tuân thủ đúng quy trình, khoa học, khách quan. Trong đó có thỏa thuận hợp tác phát triển vắc xin phòng Covid-19 theo công nghệ sản xuất vắc xin Sputnik V của Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ và vi sinh quốc gia Gamaleya (Nga) với Việt Nam trong việc đóng gói thành lọ từ bán thành phẩm.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, một số doanh nghiệp đang xúc tiến đàm phán với các đối tác nước ngoài để sớm tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin phòng Covid-19 cho Việt Nam. Tập đoàn Vingroup cũng vừa thành lập Công ty CP Công nghệ sinh học Vinbiocare với lĩnh vực hoạt động chính là sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (sản xuất vắc xin, các loại thuốc…) với vốn điều lệ là 200 tỷ đồng.

Cần nhiều giải pháp đột phá, dài hạn

Ngành y tế mặc dù đạt nhiều thành tựu trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, nhưng chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Nghiên cứu còn nhỏ lẻ, trang thiết bị còn thiếu và không đồng bộ do không được đầu tư và đặc biệt thiếu nhân lực (chuyên gia, nhóm nghiên cứu), nhân lực không được đào tạo liên tục, ít tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập.

Đơn cử, một trong những điều kiện quan trọng để nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng Covid-19 là cần có các phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ 3 - 4 hay phòng thí nghiệm trên các động vật lớn như linh trưởng... Tuy nhiên, Việt Nam đang thiếu các loại phòng thí nghiệm như vậy.

Để phát huy được hết khả năng, tiềm năng của khoa học trong lĩnh vực y tế, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cần có nhiều giải pháp đột phá, dài hạn. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế thành lập Viện Vắc xin quốc gia gắn với Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ vắc xin, trên cơ sở rà soát, sắp xếp hợp lý các đơn vị sự nghiệp trong nghiên cứu của Bộ Y tế.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tạo điều kiện tối đa về cơ chế, chính sách, ưu đãi của pháp luật về đầu tư, đầu tư công đối với các dự án nghiên cứu, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ tiên tiến trong ngành y tế, đặc biệt là công nghệ sản xuất vắc xin phòng Covid-19.

Đối với các nhiệm vụ, dự án nghiên cứu phát triển vắc xin phòng chống dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Y tế chủ động đề xuất các nhiệm vụ với Bộ Khoa học và Công nghệ để đặt hàng và ưu tiên kinh phí hỗ trợ ở mức cao nhất theo quy định; Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, sửa đổi quy định liên quan theo hướng có thể hỗ trợ ở mức tối đa đến 100% tổng mức kinh phí đầu tư. Đồng thời, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành tích cực vận động, huy động các nguồn tài chính hợp pháp, xã hội hóa để phát triển vắc xin phòng Covid-19. Phó Thủ tướng thống nhất chủ trương tăng cường, thúc đẩy liên doanh, hợp tác trong đầu tư xây dựng, phát triển các trung tâm nghiên cứu, trung tâm thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng theo chuẩn quốc tế.

Theo ông Trịnh Thanh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay không chỉ trong nước, mà cả thế giới đang bị khủng hoảng trầm trọng về nhu cầu vắc xin phòng Covid-19. Việc thành lập Viện Vắc xin quốc gia là rất cần thiết nhằm tập trung và huy động mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp y tế này, trước mắt là phục vụ nhu cầu trong nước, lâu dài sẽ hướng đến xuất khẩu.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục