![]() |
Hòa Bình đã vượt qua được các rào cản tài chính trong quá trình đấu thầu và bắt đầu giành lại nhiều dự án lớn |
Vượt qua rào cản tài chính trong đấu thầu để giành lấy các dự án lớn
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, diễn ra chiều 25/4/2025, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thừa nhận, năm 2024 là năm thứ năm liên tiếp Tập đoàn Hòa Bình phải đối mặt với những hệ lụy nặng nề kéo dài từ đại dịch Covid-19 cùng những xung đột nghiêm trọng về địa chính trị trên thế giới. Tất cả đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu cũng như trong nước.
Đặc biệt, trong lĩnh vực xây dựng - ngành nghề cốt lõi của Hòa Bình, nhiều chủ đầu tư các dự án du lịch, nghỉ dưỡng - vốn là phân khúc trọng điểm của Tập đoàn - vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề, khi các "vết thương" sau khủng hoảng chưa thể hồi phục hoàn toàn. Thị trường bất động sản dù có tín hiệu phục hồi, nhưng vẫn chưa đủ sức tạo ra sức bật rõ ràng cho ngành xây dựng. Trong khi đó, môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, thậm chí nhiều lúc thiếu lành mạnh, đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp.
Trong suốt 6 tháng đầu năm 2024, Tập đoàn Hòa Bình không ghi nhận dự án lớn nào được thực hiện. Mặc dù công tác thu hồi công nợ có tiến triển, nhưng tốc độ vẫn còn chậm. Vốn chủ sở hữu tiếp tục duy trì ở mức rất thấp, chỉ đạt 93 tỷ đồng, tạo áp lực tài chính liên tục và căng thẳng lên Ban Điều hành. Dù nhận được sự ủng hộ từ các chủ đầu tư, nhưng với báo cáo tài chính chưa thuận lợi, Hòa Bình đã gặp nhiều khó khăn trong việc vượt qua vòng thẩm định tài chính tiền đấu thầu. Hệ quả là Tập đoàn không thể tham gia các gói thầu trị giá hàng nghìn tỷ đồng - những dự án quy mô lớn vốn là thế mạnh truyền thống của Hòa Bình.
“Thương trường là chiến trường, có những lúc phải đối diện với sự khốc liệt”, ông Hải nhận định. Tuy nhiên, từ quý IV/2024, tình hình kinh doanh của Tập đoàn đã bắt đầu khởi sắc. Tính đến ngày 30/9/2024, lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đạt 842 tỷ đồng, giúp giảm 25% lỗ lũy kế và góp phần quan trọng nâng vốn chủ sở hữu tăng gấp nhiều lần so với đầu năm. Nhờ vậy, Hòa Bình đã vượt qua được các rào cản tài chính trong quá trình đấu thầu và bắt đầu giành lại nhiều dự án lớn.
Kết quả tài chính cả năm 2024 ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.421 tỷ đồng - thấp hơn kế hoạch đề ra và giảm 15% so với năm 2023. Tuy nhiên, điểm sáng nổi bật là lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 959 tỷ đồng - cao nhất trong lịch sử hoạt động của Tập đoàn, vượt qua cả mức kỷ lục năm 2017 (859 tỷ đồng). Đặc biệt, vốn chủ sở hữu đã tăng vọt từ 93,4 tỷ đồng lên 1.748 tỷ đồng, tức tăng hơn 18,7 lần so với đầu năm. Đây được xem là bước ngoặt chiến lược, giúp Tập đoàn tạo đà bứt phá và trúng thầu nhiều dự án lớn trong những tháng cuối năm.
Trở nên mạnh mẽ hơn sau mỗi “cơn bão”
Bước vào năm 2025 trong bối cảnh thị trường thương mại toàn cầu đầy biến động, căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang và nền tài chính thế giới đang chao đảo, đây được xem là thách thức không nhỏ đối với hòa bình và phát triển bền vững của toàn nhân loại. Tuy vậy, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vẫn tin tưởng rằng năm 2025 sẽ mở ra những tín hiệu khởi sắc cho ngành xây dựng nói chung và cho chính Tập đoàn nói riêng.
Niềm tin này, theo ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn, đến từ những dấu hiệu tích cực đang dần rõ nét trong bức tranh kinh tế vĩ mô. Trước hết, Chính phủ thể hiện quyết tâm cao trong việc tháo gỡ các vướng mắc pháp lý cho hàng loạt dự án đang bị đình trệ. Thứ hai, ngành du lịch đang trên đà phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, mở ra cơ hội cho bất động sản nghỉ dưỡng. Thứ ba, sức cạnh tranh vượt trội của chuỗi cung ứng Việt Nam tiếp tục được khẳng định, ngay cả khi phải đối mặt với mức thuế cao kỷ lục 46% từ Mỹ - trong đó bao gồm vật liệu xây dựng và nguồn nhân lực. “Như vậy, cả bốn phân khúc gồm nhà ở đô thị, bất động sản nghỉ dưỡng, hạ tầng và công nghiệp đều có tiềm năng phát triển tốt trong năm 2025”, ông Hải đánh giá.
Theo các tổ chức tư vấn quốc tế, ngành xây dựng Việt Nam thậm chí có thể tăng trưởng gấp đôi so với năm 2024. Trên cơ sở đó, cùng với việc cải thiện đáng kể năng lực tài chính, Hòa Bình đặt kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu doanh thu đạt 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 360 tỷ đồng. Đây là chỉ tiêu được xây dựng thận trọng, có tính đến những rủi ro thị trường và các hạn chế hiện hữu trong báo cáo tài chính, song Ban lãnh đạo cam kết sẽ nỗ lực tối đa để vượt qua kế hoạch đã đề ra.
Trong năm 2025, Tập đoàn sẽ tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ chiến lược gồm: đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trên diện rộng; mở rộng thị trường quốc tế; củng cố năng lực đội ngũ nhân sự; xây dựng hệ sinh thái phát triển bền vững và tăng cường vai trò tư vấn, phản biện của Hội đồng Cố vấn.
“Tuy con đường phía trước vẫn còn nhiều thử thách, nhưng Ban Lãnh đạo Hòa Bình không hề e ngại, bởi chúng tôi đã trưởng thành và mạnh mẽ hơn sau mỗi ‘cơn bão’. Với nền tảng tài chính đang được củng cố, niềm tin từ khách hàng và đối tác ngày càng gia tăng, cùng đội ngũ nhân sự trung thành, tâm huyết và tận tụy, tôi tin tưởng sâu sắc rằng trong 3 năm tới, Hòa Bình sẽ bứt phá mạnh mẽ và khôi phục lại vị thế xứng đáng của mình”, ông Hải nhấn mạnh.