Hòa giải bất thành, Keangnam Vina lại xin hoãn phiên tòa

Sau phiên hòa giải bất thành, Keangnam Vina tiếp tục xin hoãn phiên tòa, lý do, để luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Keangnam Vina có thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án.
Tòa nhà Keangnam Landmark
Tòa nhà Keangnam Landmark

Bị đơn Keangnam Vina vừa mời luật sư Đỗ Trọng Hải, Chủ tịch Công ty Luật TNHH Bizlink tham gia bảo vệ quyền và lơi ích hợp pháp trong vụ kiện tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ với các khách hàng. 

Trước đó, quá trình tham gia tố tụng, Keangnam Vina có 3 người đại diện theo ủy quyền gồm ông Nguyễn Đức Mạnh, ông Đặng Duy Dũng và ông Song Jong Ha và không có luật sư tham gia bảo vệ quyền và lơi ích hợp pháp. Ông Nguyễn Đức Mạnh và ông Đặng Duy Dũng đều công tác tại Công ty Luật TNHH Bizlink. 

Tranh chấp giữa Keangnam Vina và một nhóm khách hàng xảy ra từ năm 2011, nội dung tranh chấp gồm 2 vấn đề trọng yếu là diện tích căn hộ bàn giao thiếu và việc thanh toán bằng ngoại tệ USD là vi phạm điều cấm của pháp luật Việt Nam. 

10 căn hộ xảy ra tranh chấp và các khách hàng đã khởi kiện, được giải quyết thành 7 vụ án riêng biệt. Các vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm từ giữa năm 2015 và hiện đang trong giai đoạn xét xử phúc thẩm do cả nguyên đơn và bị đơn đều kháng cáo. 

Quá trình xét xử phúc thẩm, bị đơn Keangnam Vina đã vắng mặt trong lần đầu tiên mở phiên tòa. Lần thứ hai, Keangnam Vina xin hoãn phiên tòa để hòa giải với các khách hàng. Tuy nhiên, đề nghị của Keangnam Vina được khách hàng cho là “không thể chấp nhận được”. Hòa giải bất thành, đại diện nguyên đơn cho hay sẽ không hòa giải và đề nghị Tòa án xét xử. 

Sau đó, phiên tòa được triệu tập lần thứ 3, lần này, đại diện Keangnam Vina và Luật sư Đỗ Trọng Hải xin hoãn phiên tòa để luật sư có thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án do Luật sư Đỗ Trọng Hải vừa mới được Keangnam Vina mời tham gia với tư cách luật sư bảo vệ quyền và lơi ích. Do đó, trong các ngày 25, 26/1, chuỗi các phiên tòa liên quan đến tranh chấp này đều bị hoãn. Với việc Tết nguyên đán đã cận kề, phiên tòa sẽ bị hoãn lại sau thời điểm đón năm mới năm Bính Thân. 

Được biết, trong số 7 vụ kiện này, có 1 vụ kiện đã có bản án có hiệu lực pháp luật, theo đó, bản án phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu kháng cáo của khách hàng, tuyên hợp đồng mua bán vô hiệu. Theo đó, Keangnam Vina phải trả lại khách hàng 781 triệu đồng. 

Tin cùng chuyên mục