Nộp bảo lãnh dự thầu qua mạng
Hiện nay, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Hệ thống) chưa có kết nối với hệ thống ngân hàng. Do đó, khi dự thầu, nhà thầu (NT) quét (scan) thư bảo lãnh của ngân hàng và đính kèm khi nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) qua mạng mà không phải nộp bản gốc. Tuy nhiên, trường hợp nhà thầu có các hành vi bị cấm trong quá trình đấu thầu hoặc từ chối thương thảo hợp đồng mà không nộp BLDT thì bên mời thầu (BMT) không tịch thu được số tiền theo giá trị của BLDT.
Do đó, Tổ biên tập Dự thảo Thông tư dự kiến đưa vào nội dung “trường hợp NT có các hành vi bị cấm trong đấu thầu hoặc từ chối thương thảo hợp đồng mà không nộp BLDT bản gốc thì NT sẽ bị coi là có hành vi gian lận trong đấu thầu và sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 - 5 năm. Chủ đầu tư cần kịp thời gửi thông tin về NT vi phạm để đăng tải trên Hệ thống”.
Bày tỏ quan điểm về nội dung này, ông Dương Quý Tùng, Phó Trưởng ban Quản lý đấu thầu thuộc Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho rằng, cần có quy định cụ thể về thời điểm nộp BLDT bản gốc. Trên thực tế, nếu NT có những hành vi bị cấm trong đấu thầu lại diễn ra trước khi nhà thầu nộp BLDT thì Dự thảo Thông tư cần phải xem xét đưa vào quy định, chế tài cho cả những trường hợp này. Theo đó, đối với BLDT phát hành ở ngân hàng chưa kết nối đến Hệ thống, BMT được quyền yêu cầu NT cung cấp BLDT bản gốc ngay trong quá trình đánh giá HSDT.
Một chuyên gia của Ngân hàng Thế giới lại bày tỏ quan điểm, nên quy định rõ việc nộp BLDT ngay trong HSMT. Bởi, nếu NT không nộp bản gốc BLDT khi BMT yêu cầu thì NT đó tự động sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các gói thầu của BMT đó, trong một khoảng thời gian nhất định. “Việc ghi rõ quy định này trong HSMT sẽ thể hiện sự ràng buộc pháp lý giữa BMT và NT. Khi NT tham gia đấu thầu, tức là chấp nhận quy định này của BMT thì họ sẽ thực hiện nghiêm túc”.
Ở góc tiếp cận của mình, ông Phan Doãn Khánh thuộc Ban Quản lý đấu thầu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, việc kết nối giữa Hệ thống với các ngân hàng để cung cấp BLDT nên coi là ở giai đoạn quá độ. Bởi việc cấm NT trong trường hợp này chỉ mang tính răn đe là chủ yếu. “Về lâu dài, NT phải nộp BLDT của những ngân hàng đã có kết nối với Hệ thống. Khi có quy định đó, các ngân hàng sẽ sẵn sàng kết nối với Hệ thống, vì đó là dịch vụ của ngân hàng, họ cũng thu được lợi ích từ BLDT cho NT” – ông Khánh đề xuất.
Quy định cách làm rõ hồ sơ mời thầu
Tại Hội thảo, việc làm rõ HSMT được thực hiện trên Hệ thống hay yêu cầu NT có văn bản làm rõ gửi đến BMT cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý. Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới nhận định, NT có quyền yêu cầu BMT làm rõ HSMT và trách nhiệm của BMT phải làm rõ. Trên thực tế, trong giai đoạn các NT nghiên cứu, xem xét hồ sơ được công khai tải về từ Hệ thống thì bất kỳ NT nào cũng có quyền yêu cầu làm rõ. Tuy nhiên, chúng ta phải đưa ra những quy định cụ thể về thời gian NT được nêu câu hỏi, yêu cầu làm rõ HSMT. Trong thời gian đó, chủ đầu tư có trách nhiệm phải trả lời.
Các ý kiến cũng góp ý, BMT phải công bố thông tin hỏi và trả lời đảm bảo không lộ thông tin của NT hỏi. Có thể những ý kiến của NT là hợp lý, BMT sau đó có những sửa đổi HSMT thì có thể ban hành những phụ lục kèm theo. Hệ thống cần có những biện pháp kỹ thuật để hỗ trợ cho các NT đã tải HSMT về trước đó được nhận thêm phần phụ lục thay đổi HSMT này. Tránh việc NT bỏ sót các phần sửa đổi này vì không thể liên tục cập nhật từ BMT.
Ông Phan Doãn Khánh đề xuất thêm, Dự thảo Thông tư phải có quy định cứng để tránh việc NT cố tình đưa câu hỏi “vu vơ”, làm mất thời gian của nhiều người khác”.
Theo ông Nguyễn Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Dự thảo Thông tư sẽ webform các mẫu HSMT trên Hệ thống; thay thế Thông tư số 07/2016/TT-BKHĐT; thay thế một phần Chương 1 Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKH&ĐT. Do đó, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu các góp ý, nghiên cứu và chỉnh sửa đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất cho BMT, NT trong quá trình áp dụng đấu thầu qua mạng.