Cơ quan soạn thảo mong muốn tiếp thu ý kiến về làm rõ hồ sơ mời thầu trong lựa chọn nhà thầu qua mạng. Ảnh: Lê Tiên |
Tại Hội thảo, cơ quan soạn thảo sẽ lắng nghe và tiếp thu ý kiến góp ý một số nội dung quan trọng liên quan đến bảo lãnh dự thầu, việc làm rõ hồ sơ mời thầu, quy trình đánh giá ngược…
Chỉnh sửa mẫu phải đảm bảo chặt chẽ và phù hợp
Dự thảo Thông tư quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với gói thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp, dịch vụ phi tư vấn áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh trong nước theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, một giai đoạn hai túi hồ sơ.
Việc lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đối với gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng (E-HSMT) phải căn cứ vào quy mô, tính chất của từng gói thầu cụ thể để đưa ra các yêu cầu phù hợp trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham dự thầu của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Đáng chú ý, khi lập E-HSMT đối với gói thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp, phi tư vấn, một số nội dung ban hành kèm theo Dự thảo Thông tư này được cố định và đăng tải trên hệ thống (file PDF). Đối với các nội dung khác có thể chỉnh sửa cho phù hợp với quy mô, tính chất của gói thầu. Trường hợp có chỉnh sửa các quy định nêu trong Mẫu hồ sơ thì tổ chức, cá nhân thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải bảo đảm việc chỉnh sửa đó là phù hợp, khoa học, chặt chẽ hơn so với quy định nêu trong Mẫu hồ sơ và không trái với quy định của pháp luật về đấu thầu. Trong tờ trình đề nghị phê duyệt E-HSMT phải nêu rõ nội dung chỉnh sửa so với quy định trong Mẫu và lý do chỉnh sửa để chủ đầu tư xem xét, quyết định.
Xin ý kiến nhiều nội dung quan trọng
Theo Tổ biên tập, Dự thảo Thông tư có một số nội dung quan trọng cần xin ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và các bên mời thầu liên quan đến vấn đề bảo lãnh dự thầu, làm rõ hồ sơ mời thầu được thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, áp dụng quy trình đánh giá ngược…
Cụ thể, liên quan đến bảo lãnh dự thầu, đối với ngân hàng chưa có kết nối với Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, khi tham dự thầu, nhà thầu thực hiện quét (scan) thư bảo lãnh của ngân hàng và đính kèm file khi nộp hồ sơ dự thầu qua mạng mà không phải nộp bản gốc. Tuy nhiên, trường hợp nhà thầu có các hành vi bị cấm trong đấu thầu hoặc từ chối thương thảo hợp đồng thì khi nhà thầu không nộp bảo lãnh dự thầu sẽ dẫn đến việc bên mời thầu không tịch thu được số tiền theo giá trị của bảo lãnh dự thầu.
Để xử lý vấn đề này, Tổ biên tập dự kiến đưa vào Dự thảo Thông tư nội dung: “Trường hợp nhà thầu có các hành vi bị cấm trong đấu thầu hoặc từ chối thương thảo hợp đồng mà không nộp bản gốc bảo lãnh dự thầu thì nhà thầu sẽ bị coi là có hành vi gian lận trong đấu thầu và sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 - 5 năm. Chủ đầu tư cần kịp thời gửi thông tin về nhà thầu vi phạm để đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia”.
Đối với việc làm rõ HSMT, cơ quan soạn thảo muốn tham vấn ý kiến về việc sẽ thực hiện việc làm rõ này trên Hệ thống hay yêu cầu nhà thầu có văn bản làm rõ gửi đến bên mời thầu. Bởi, khi nhà thầu có yêu cầu làm rõ HSMT thì bên mời thầu phải có trách nhiệm trả lời nhà thầu. Song, nếu cho phép thực hiện việc làm rõ trên Hệ thống có thể dẫn đến tình trạng nhà thầu lạm dụng việc này để gây khó khăn cho bên mời thầu. Trường hợp quy định nhà thầu thực hiện việc làm rõ hồ sơ mời thầu bằng cách gửi văn bản làm rõ HSMT đến bên mời thầu sẽ dẫn đến lộ thông tin về nhà thầu tham dự thầu, không tận dụng được ưu thế của đấu thầu qua mạng.
Ngoài ra, Dự thảo Thông tư quy định cụ thể việc áp dụng quy trình đánh giá ngược đối với gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, đánh giá theo phương pháp giá thấp nhất. Theo đó, căn cứ vào biên bản mở thầu, bên mời thầu chọn nhà thầu có giá thấp nhất để đánh giá hồ sơ dự thầu theo các bước: đánh giá về kỹ thuật; đánh giá năng lực và kinh nghiệm; đánh giá về tư cách hợp lệ của nhà thầu. Nếu nhà thầu có giá dự thầu thấp nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, năng lực và kinh nghiệm, tư cách hợp lệ thì mời vào thương thảo hợp đồng; trường hợp nhà thầu có giá thấp nhất không đáp ứng thì bên mời thầu tiếp tục đánh giá nhà thầu có giá thấp thứ hai theo các bước nêu trên.