Hoàn thiện chính sách quản lý tài chính các dự án PPP

(BĐT) - Chính sách về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã được Chính phủ hoàn thiện dần tiếp cận đến thông lệ quốc tế.
Bộ Tài chính bỏ quy định khống chế mức lãi suất tính toán trong phương án tài chính của các dự án PPP gắn liền với lãi suất trái phiếu chính phủ. Ảnh: Lê Tiên
Bộ Tài chính bỏ quy định khống chế mức lãi suất tính toán trong phương án tài chính của các dự án PPP gắn liền với lãi suất trái phiếu chính phủ. Ảnh: Lê Tiên

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư trình Chính phủ, Quốc hội xem xét thông qua trong năm 2019 để tạo hành lang pháp lý, khuyến khích các dự án đầu tư theo hình thức PPP. Với cơ sở trên, cơ chế quản lý các dự án PPP của Bộ Tài chính cũng được tiếp tục hoàn thiện.

Ngày 28/9/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 88/2018/TT-BTC quy định quản lý tài chính đầu tư đối với các dự án PPP và chi phí lựa chọn nhà đầu tư (thay thế Thông tư số 55/2016/TT-BTC) có hiệu lực từ ngày 12/11/2018. Nội dung Thông tư số 88/2018/TT-BTC đã điều chỉnh theo hướng quy định các chỉ tiêu tài chính của dự án phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, tạo động lực để thu hút đầu tư phát triển các dự án kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP.

Thứ nhất, Thông tư đã bổ sung những nguồn thu - chi theo thông lệ quốc tế đối với các dự án PPP mà trước đây chúng ta chưa quy định như các khoản chi liên quan đến huy động vốn ngoài khoản lãi suất thông thường (chi phí bảo lãnh, phí cam kết, bảo hiểm tín dụng, môi giới), các nguồn thu bổ sung ngoài khoản thu chính từ phí/giá dịch vụ (thu quảng cáo, thu từ các hoạt động tài chính, lãi tiền gửi...).

Thứ hai, bỏ quy định khống chế mức lãi suất tính toán trong phương án tài chính của các dự án PPP gắn liền với mức lãi suất trái phiếu chính phủ. Theo đó, tại Khoản 2 Điều 14 của Thông tư quy định mức lãi suất tham khảo để cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi tham khảo theo nguyên tắc thị trường đảm bảo không quá mức lãi suất bình quân cho vay trung hạn, dài hạn của 3 ngân hàng thương mại: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam; lãi suất cho vay trung hạn và dài hạn phổ biến của hệ thống ngân hàng thương mại theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước trên Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (nếu có); lãi suất vốn vay của các dự án tương tự (nếu có).

Đây là một trong những nội dung thay đổi cơ bản, phản ánh đúng nguyên tắc thị trường và chi phí thực tế của dự án. Mức lãi suất vốn vay trong hợp đồng dự án sẽ được xác định trên cơ sở hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư được lựa chọn. Đối với trường hợp chỉ định nhà đầu tư, mức lãi suất trong hợp đồng dự án sẽ do cấp có thẩm quyền cho phép chỉ định nhà đầu tư chịu trách nhiệm quyết định, song không được quá các nguyên tắc nêu trên.

Thứ ba, khẳng định rõ lợi nhuận của nhà đầu tư cũng được hình thành theo nguyên tắc thị trường, thông qua đấu thầu giữa các nhà đầu tư. Các bộ, ngành có trách nhiệm ban hành khung lợi nhuận theo quy định tại Khoản 2 Điều 73 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP; bổ sung quy định lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được tính từ thời điểm dự án được cấp có thẩm quyền cho phép đi vào vận hành, khai thác để thống nhất trong việc tính toán, áp dụng.

Riêng đối với trường hợp chỉ định nhà đầu tư, để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư, nội dung Thông tư quy định rõ cơ quan nhà nước có thẩm quyền trình người có thẩm quyền cho phép chỉ định nhà đầu tư quyết định mức lợi nhuận của nhà đầu tư tối đa bằng mức lợi nhuận tối thiểu trong khung lợi nhuận do bộ, ngành ban hành.

Thứ tư, quy định về hồ sơ thanh toán vốn đầu tư của Nhà nước hỗ trợ dự án được sửa đổi theo hướng đơn giản hóa tối đa với trách nhiệm chính và duy nhất trong xác định giá trị khối lượng nhà đầu tư hoàn thành, việc đáp ứng các điều kiện giải ngân phần vốn nhà nước theo quy định là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thứ năm, để đảm bảo hướng dẫn đầy đủ các nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP, Thông tư cũng đã bổ sung hướng dẫn một số nội dung mới như: Lập kế hoạch đối với phần vốn thanh toán cho nhà đầu tư sử dụng nguồn chi thường xuyên và nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ công; xác định giá trị tài sản công tham gia trong dự án PPP.

Với việc sửa đổi một số nội dung cơ bản nhằm tách bạch chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước và quyền tự quyết trong tổ chức kinh doanh của nhà đầu tư, hy vọng sẽ tạo điều kiện thông thoáng hơn cho cả cơ quan nhà nước và nhà đầu tư trong triển khai các nội dung liên quan đến tài chính của dự án PPP, tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong thời gian tới.