Dự thảo Luật PPP vừa kế thừa, vừa có nhiều điểm mới để gỡ vướng trong thu hút vốn tư nhân, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, vào phát triển hạ tầng. Ảnh: Song Lê |
Một khung pháp lý hoàn thiện sẽ giúp lấy lại niềm tin của người dân, sự hứng khởi dựng xây của những nhà đầu tư BOT trong nước và thêm hấp lực hút dòng đầu tư nước ngoài.
Không để nguồn lực bó hẹp tư duy
Năm 2020 các địa phương đang cần nguồn lực đầu tư rất lớn, trong đó nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ tăng khá nhiều so với năm 2019 vì là năm cuối của kế hoạch trung hạn 2016 - 2020. Nhu cầu đầu tư mà các địa phương đề ra, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), là quá cao so với tình hình thực tế về nguồn vốn đầu tư.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn mới 2021 - 2025 cũng đang được xây dựng với mối lo ngổn ngang về nguồn lực. Rất nhiều công trình lớn, những siêu dự án chứa đựng nhiều khát vọng đang ở phía trước, để tạo nền tảng chắc chắn, tạo đường cho nền kinh tế phát triển bền vững, đi xa và nhanh đến được khát vọng thịnh vượng đã đề ra, đang hướng tới.
Nhưng theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ nhận định trong giai đoạn này khả năng nguồn lực của đất nước dành cho đầu tư phát triển nói chung, nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông vận tải nói riêng tiếp tục còn hạn chế. Bên cạnh đó, một số tồn tại của các giai đoạn trước có thể sẽ còn phải xử lý ở giai đoạn 2021 - 2025, như các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ thanh toán các dự án đầu tư theo hình thức BT, các dự án bị đình giãn ở giai đoạn trước, các dự án phải chuyển nguồn thực hiện sang giai đoạn sau...
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh: “Lâu nay do nguồn lực nên chúng ta bị bó chân bó tay lại. Vì thiếu nguồn lực, nên chúng ta không dám nghĩ đến là vướng sông thì làm cầu thẳng qua, vướng núi thì làm đường hầm xuyên núi, mà cứ phải ngoặt đi hướng khác rồi kết nối lại. Không có đường rẽ, gặp núi thì phải làm đường xuyên núi, chứ không vòng vèo đi qua núi, kéo dài bao nhiêu km, bao nhiêu chi phí duy tu, tốn kém hơn cả là đi thẳng qua núi. Chúng ta phải thay đổi, không thể theo lối mòn có tiền đến đâu tư duy đến đó”.
Muốn vậy cần đa dạng nguồn lực đầu tư, kết hợp nhiều nguồn vốn. Sự tham gia của tư nhân cùng với nguồn lực nhà nước giúp ước mơ xây những con đường mới mang tính kết nối, lan tỏa, động lực không bị đứt đoạn, bị bó hẹp. Hơn nữa, từ câu chuyện của tư nhân xây dựng sân bay Vân Đồn còn cho thấy, không chỉ bổ sung nguồn lực, sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân còn giúp công trình thi công nhanh hơn rất nhiều. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng sân bay Vân Đồn là bài học cho việc thu hút tư nhân đầu tư hạ tầng, những hạng mục nào, công việc nào tư nhân làm tốt nên để tư nhân làm.
Để “con đường” pháp lý bớt gồ ghề
Thế nhưng, sau một giai đoạn đầu tư BOT, BT ồ ạt, rồi nhìn lại, đong đếm được - mất, rủi ro đổ bể hiện hữu ở hàng loạt dự án, dường như có sự chùng lại trong 2 năm qua. Nhiều nhà đầu tư lớn trong nước nản chí. Người dân hoài nghi. Giới đầu tư quốc tế thì vẫn e ngại. Cơ quan nhà nước vừa thận trọng vừa lực bất tòng tâm, muốn làm mà hành lang pháp lý chưa đủ. Từ năm 2018 đến nay, theo báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hầu hết các bộ, ngành, địa phương không triển khai được các dự án mới thuộc lĩnh vực giao thông vận tải theo hình thức hợp đồng BOT. Các địa phương đa phần tập trung vào các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT.
Sự chùng lại này có phải do nhà đầu tư không còn mặn mà với hình thức PPP nói chung, với BOT nói riêng? 8 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đưa ra sơ tuyển vừa qua chính là phép thử thị trường, là câu trả lời. Sự quan tâm vẫn rất lớn. Mỗi dự án có trên dưới 20 nhà đầu tư quan tâm mua hồ sơ mời sơ tuyển, có từ 5 - 11 nhà đầu tư trong và ngoài nước nộp hồ sơ dự sơ tuyển. Con số này là rất lớn so với các dự án BOT đã tổ chức lựa chọn nhà đầu tư trước đây. Riêng nhà đầu tư trong nước có khoảng 30 doanh nghiệp tham gia, tìm kiếm cơ hội đầu tư ở dự án này, trong đó có rất nhiều nhà đầu tư đã nếm trải đủ thăng trầm sau nhiều năm đầu tư BOT như Đèo Cả, Tasco, IDICO, Cienco 4, VIDIFI…
Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ, họ làm BOT bằng nhiệt huyết, tham gia từ thời điểm ban đầu khó khăn nhất. Đèo Cả đến nay vẫn đang tham gia vào các dự án BOT lớn. Nhưng theo ông Hồ Minh Hoàng, nhà đầu tư BOT dường như đang đơn độc, trong khi nhà đầu tư cũng là người dân và là người dân đang gánh nợ ngân hàng. Lãnh đạo Đèo Cả cho rằng cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư đang không bình đẳng trong mối quan hệ hợp đồng đối tác. Do đó, nhận diện đúng vai trò, trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là điều cần thay đổi đầu tiên…
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc VIDIFI thì khuyến nghị, dự án BOT không nên chỉ dựa vào vốn tín dụng, Luật PPP nên mở ra chính sách để huy động được kênh vốn khác cho dự án BOT như phát hành trái phiếu, để làm sao phải thu hút được 50 - 70% tiền nhàn rỗi trong dân vào các dự án hạ tầng. Ngoài ra, từ thực tế của cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Tỉnh kiến nghị, Luật PPP cần có những bảo lãnh rủi ro nhất định về doanh thu tối thiểu vì dự án BOT giao thông thường có tổng mức đầu tư lớn, kéo dài 30 - 40 năm, có khi lợi ích xã hội nhiều hơn là lợi ích kinh tế.
Chia sẻ với chúng tôi ngay sau khi dự lễ mở sơ tuyển một dự án thành phần thuộc Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông, ông Min Man Jun, Trưởng đại diện Daewoo E&C tại Việt Nam, cho biết cơ chế hiện tại chưa có bảo lãnh gì của Chính phủ đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam, vì thế cũng là khó khăn rất lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ông Min Man Jun đánh giá cao những quy định đưa ra tại Dự thảo Luật PPP, việc Luật được áp dụng vào Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông là điều mà nhà đầu tư rất mong đợi.
Dự thảo Luật PPP đã được Bộ KH&ĐT báo cáo Chính phủ tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật diễn ra tháng 7 vừa qua. Dự thảo Luật vừa kế thừa, nâng cấp, hoàn thiện những quy định tốt tại quy định hiện hành, vừa có nhiều điểm mới để tháo gỡ những vướng mắc hiện nay trên con đường thu hút vốn tư nhân, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, tham gia vào dự án kết cấu hạ tầng. Nhiều khuyến nghị, đề xuất của nhà đầu tư trong và ngoài nước, của chuyên gia, đối tác phát triển, của các bộ, ngành, địa phương đã được tiếp thu, nghiên cứu đưa vào Dự thảo để xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tại phiên họp nêu trên, các ý kiến của thành viên Chính phủ đều nhất trí, trong bối cảnh nhu cầu huy động vốn đầu tư từ khu vực tư nhân ngày càng tăng, việc xây dựng Luật này là rất cần thiết nhằm hình thành khung pháp lý để quản lý, điều hành thống nhất, ổn định hoạt động đầu tư theo phương thức PPP.