Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch điện VIII: Phát huy tối đa nguồn điện năng lượng tái tạo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt Quy hoạch điện VIII điều chỉnh), trong đó nhấn mạnh phương án phát triển tối đa nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT)
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh nhấn mạnh phương án phát triển tối đa nguồn điện năng lượng tái tạo. Ảnh: Tường Lâm
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh nhấn mạnh phương án phát triển tối đa nguồn điện năng lượng tái tạo. Ảnh: Tường Lâm

Mục tiêu của Quy hoạch là đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hoá sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới; hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên NLTT, năng lượng mới.

Cụ thể, về đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, mục tiêu nhằm cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 10%/năm trong giai đoạn 2026 -2030, khoảng 7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050.

Điện thương phẩm, năm 2030 đạt khoảng 500,4-557,8 tỷ kWh, định hướng đến năm 2050 đạt khoảng 1.237,7-1.375,1 tỷ kWH.

Điện sản xuất và nhập khẩu, năm 2030 đạt khoảng 560,4-624,6 tỷ kWh, định hướng năm 2050 đạt khoảng 1.360,1-1.511,1 tỷ kWh.

Công suất cực đại năm 2030 khoảng 89.655-99.934 MW; năm 2050 đạt khoảng 205.732-228.570 MW.

Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

Về chuyển đổi năng lượng công bằng, sẽ phát triển mạnh các nguồn NLTT (không bao gồm thuỷ điện) phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 28 - 36% vào năm 2030. Định hướng đến năm 2050 tỷ lệ NLTT lên đến 74 - 75%. Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn hiệu quả nguồn NLTT quy mô lớn.

Về phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo, dự kiến đến 2030, hình thành 02 trung tâm công nghiệp, dịch vụ NLTT liên vùng bao gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, xây dựng, lắp đặt, dịch vụ liên quan, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có các điều kiện thuận lợi.

Phát triển các nguồn điện từ NLTT và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu sang Singapore, Malaysia và các đối tác khác trong khu vực. Phấn đấu đến năm 2035, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000 - 10.000 MW, có thể cao hơn tùy theo nhu cầu của bên nhập khẩu trên cơ sở có hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an ninh năng lượng trong nước và an ninh quốc phòng.

Phát triển tối đa nguồn điện từ năng lượng tái tạo

Về phương án phát triển, Quy hoạch nêu rõ phát triển tối đa nguồn điện NLTT (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...), tiếp tục gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện và điện năng sản xuất.

Cụ thể, đẩy mạnh phát triển điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi, điện mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời mặt nước phù hợp với khả năng hấp thụ của hệ thống, khả năng giải tỏa công suất của lưới điện, giá thành điện năng và chi phí truyền tải hợp lý gắn với bảo đảm an toàn vận hành và tính kinh tế chung của hệ thống điện, tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng lưới điện hiện có.

Ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời (trong đó có điện mặt trời trên mái nhà dân, trung tâm thương mại, mái các công trình xây dựng, mái nhà xưởng, khu công nghiệp, điện mặt trời tại các cơ sở sản xuất kinh doanh) tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia. Phát triển điện mặt trời tập trung phải kết hợp với lắp đặt pin lưu trữ với tỷ lệ tối thiểu 10% công suất và tích trong 2 giờ.

Đến năm 2030, tổng công suất điện gió trên bờ và gần bờ đạt 26.066 - 38.029 MW (tổng tiềm năng kỹ thuật ở Việt Nam khoảng 221.000 MW). Ưu tiên bố trí các nguồn điện gió quy hoạch mới tại các địa phương có tiềm năng gió tốt, điều kiện kinh tế khó khăn.

Phát huy tối đa tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi của nước ta (khoảng 600.000 MW) để sản xuất điện và năng lượng mới với tổng công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 - 17.032 MW, dự kiến vận hành giai đoạn 2030 - 2035. Định hướng đến năm 2050 đạt 113.503 - 139.097 MW.

Ước tính công suất nguồn điện gió ngoài khơi để sản xuất năng lượng mới vào khoảng 15.000 MW vào năm 2035 và khoảng 240.000 MW vào năm 2050.

Ưu tiên, khuyến khích phát triển các loại hình điện sinh khối, điện sản xuất từ rác, chất thải rắn nhằm tận dụng phụ phẩm nông lâm nghiệp, chế biến gỗ, thúc đẩy trồng rừng, xử lý môi trường ở Việt Nam.

Giai đoạn 2030 - 2035 đưa vào vận hành các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Đối với nguồn điện hạt nhân, phát triển nguồn điện này theo đúng định hướng đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 174/2024/QH15, Nghị quyết số 189/2025/QH15 về cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, giai đoạn 2030 - 2035 sẽ đưa vào vận hành các Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 với quy mô đạt 4.000 - 6.400 MW. Giai đoạn đến năm 2050 hệ thống cần bổ sung khoảng 8.000 MW nguồn điện hạt nhân để cung cấp nguồn điện nền và có thể tăng lên theo nhu cầu.

Với nhiệt điện than, chỉ thực hiện tiếp các dự án đã có trong quy hoạch và đang đầu tư xây dựng đến năm 2030. Định hướng thực hiện chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối/amoniac với các nhà máy đã vận hành được 20 năm khi giá thành phù hợp. Dừng hoạt động đối với các nhà máy có tuổi thọ trên 40 năm nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu.

Với nhiệt điện LNG phát triển phù hợp các nguồn điện sử dụng LNG nếu có phương án thay thế để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu…

Quy hoạch cũng nhấn mạnh phương án phát triển lưới điện đáp ứng nhu cầu điện.

Theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, nhu cầu vốn đầu tư thực hiện Quy hoạch rất lớn. Giai đoạn 2026 - 2030: Tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 136,3 tỷ USD, trong đó, đầu tư cho nguồn điện khoảng 118,2 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 18,1 tỷ USD.

Định hướng giai đoạn 2031 - 2035, ước nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 130,0 tỷ USD, trong đó, đầu tư cho nguồn điện khoảng 114,1 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 15,9 tỷ USD, sẽ được chuẩn xác trong các quy hoạch tiếp theo.

Định hướng giai đoạn 2036 - 2050, ước nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 569,1 tỷ USD, trong đó, đầu tư cho nguồn điện khoảng 541,2 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 27,9 tỷ USD, sẽ được chuẩn xác trong các quy hoạch tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục