Hoạt động của SKYVIET, chờ ý kiến 4 bộ

(BĐT) - Ngày 4/5/2016, Văn phòng Chính phủ đã ra Văn bản số 3000/VPCP-KTN cho biết Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị Thủ tướng Chính phủ (Tờ trình số 4532/BGTVT-VT) về việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, giấy phép kinh doanh hàng không chung (gọi tắt là cấp phép bay) cho CTCP Hàng không SKYVIET. 
Thông qua việc góp vốn thành lập SKYVIET, tài sản của Nhà nước tại VASCO có bị thất thoát hay không là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Ảnh: Lê Tiên
Thông qua việc góp vốn thành lập SKYVIET, tài sản của Nhà nước tại VASCO có bị thất thoát hay không là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Ảnh: Lê Tiên

Theo đó, 4 bộ: Tài chính, Tư pháp, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư được yêu cầu có ý kiến về đề nghị của Bộ GTVT trước ngày 15/5/2016 để Văn phòng Chính phủ có cơ sở trình Thủ tướng xem xét, quyết định. 

Lý lẽ của Bộ Giao thông vận tải

Liên quan đến việc cấp phép bay, Theo Tờ trình số 4532/BGTVT-VT ngày 25/4/2016 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cho rằng Hồ sơ do CTCP Hàng không SKYVIET nộp cho Cục Hàng không Việt Nam có đầy đủ các loại giấy tờ, tài liệu và phù hợp với quy định. 

Trở lại với vấn đề góp vốn thành lập SKYVIET, theo Tờ trình nêu trên của Bộ GTVT, căn cứ Quyết định số 21/QĐ-Ttg ngày 8/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến 2020 và định hướng đến hết năm 2030, theo đó yêu cầu đến năm 2020, phát triển Công ty Bay Dịch vụ hàng không (VASCO) theo hướng công ty cổ phần kết hợp giữa việc cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung. Công ty SKYVIET kế thừa và tiếp thu cơ sở vật chất, nguồn lực hiện có của VASCO có căn cứ tại Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, đảm bảo các yêu cầu về điều kiện và tổ chức bộ máy đảm bảo khai thác tàu bay, đảm bảo duy trì việc kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại, tập trung vào thị trường nội địa với loại tàu bay ATR72.

Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, giấy phép kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại cho Công ty SKYVIET.

Thận trọng chuyển đổi mô hình hoạt động của VASCO

Ngày 10/3/2016, CTCP Hàng không SKYVIET đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Theo dự kiến ban đầu, Công ty đi vào hoạt động vào ngày 1/4/2016 sau khi được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung. SKYVIET có vốn điều lệ 300 tỷ đồng trong đó VNA góp vốn bằng tài sản của VASCO với giá trị định giá chưa đến 100 tỷ đồng và 53,7 tỷ đồng tiền mặt; phía Techcombank góp vốn bằng tiền mặt tương tỷ lệ sở hữu 49%. Mặc dù được định giá chưa đến 100 tỷ nhưng lợi nhuận riêng năm 2015 của VASCO đã đạt 75,3 tỷ đồng, giai đoạn 2010 - 2014 Công ty đạt lợi nhuận 123,5 tỷ đồng.
Nhìn lại hoạt động của VASCO có thể thấy, việc chuyển đổi mô hình theo công ty cổ phần trên cơ sở sắp xếp doanh nghiệp này được Chính phủ chỉ đạo một cách thận trọng.

Cụ thể, ngày 18/10/2007, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 1567/Ttg-CN về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển đội bay đến 2015 và 2020, các dự án mua máy bay, trong đó chỉ đạo “Cho phép Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) xây dựng đề án thành lập hãng hàng không cổ phần trên cơ sở tổ chức lại VASCO với sự tham gia của CTCP Cho thuê máy bay Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam và các cổ đông khác”.

Ngày 22/9/2008, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Công văn số 1567/TTg- CN về việc phê duyệt các dự án phát triển đội máy bay của VNA và CTCP Cho thuê máy bay Việt Nam, trong đó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo:  “Cho phép VNA thuê tư vấn định giá VASCO như một doanh nghiệp thông thường và cho phép chỉ định VietAir (sau khi được thành lập) mua lại VASCO theo giá trị đã được tổ chức tư vấn độc lập xác định”. Tuy nhiên, hãng hàng không VietAir đã không được thành lập như dự kiến và cho đến cuối năm 2015 VASCO vẫn hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên.

Như vậy có thể hiểu Chính phủ đã chỉ đạo rất sát việc chuyển đổi mô hình hoạt động của VASCO sang công ty cổ phần. Vấn đề đặt ra là, việc góp vốn thành lập SKYVIET trên cơ sở góp vốn bằng VASCO (chỉ có phía Techcombank là nhà đầu tư tham gia) do VNA đề xuất và Bộ GTVT đồng ý, đã được Thủ tướng phê duyệt hay chưa?

Dư luận đang chú ý vào việc góp vốn thành lập SKYVIET của VNA và phía Techcombank có đúng quy định pháp luật; tài sản nhà nước tại VASCO có bị thất thoát hay không và trông đợi các Bộ liên quan tập trung cho ý kiến vào nội dung này trước khi trình Thủ tướng phê duyệt.

Tin cùng chuyên mục