Hội nhập - lối rẽ khắt khe để phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trò chuyện với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Đình Lương, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại song phương (BTA) Việt Nam - Mỹ cho rằng, từ bước ngoặt BTA với Hoa Kỳ đến việc gia nhập WTO, ký kết EVFTA và các hiệp định thương mại tự do khác, không chỉ mở mang nhiều thị trường mới mà còn thúc đẩy sự thay đổi mạnh mẽ, sâu rộng trong hệ thống luật pháp, nền kinh tế và toàn bộ xã hội Việt Nam. Đó thực sự là lối rẽ đầy thách thức và khắt khe để phát triển đất nước.
Trong thời đại toàn cầu hóa, con đường có thể chọn để đưa đất nước phát triển là con đường hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Ảnh: Nguyễn Trí
Trong thời đại toàn cầu hóa, con đường có thể chọn để đưa đất nước phát triển là con đường hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Ảnh: Nguyễn Trí

Với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020 đạt hơn 540 tỷ USD và tiếp tục ở mức vài chục tỷ USD mỗi tháng như hiện nay, khó có thể hình dung hơn 20 năm trước, muốn xuất khẩu một ống tre cũng phải thông qua một tổng công ty của Nhà nước.

Nhớ lại thời điểm chuẩn bị đàm phán BTA Việt - Mỹ, cũng là thời điểm khởi động quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam còn điều hành nền kinh tế theo cách của mình mà mục tiêu là “xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ”. Đàm phán BTA là thiết kế một khung pháp lý điều tiết mọi hoạt động kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Mỹ. Khung pháp lý này được thiết kế trên những chuẩn mực, quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), những chuẩn mực còn xa lạ đối với hệ thống pháp luật của Việt Nam thời đó. Đặc biệt là các nguyên tắc về công khai, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử.

Một khung pháp lý như vậy không thể tránh được những “va đập” với khung pháp lý lúc đó của Việt Nam, đòi hỏi phải gần như “làm mới” hệ thống pháp luật để khớp với luật quốc tế.

Thực hiện cam kết trong BTA, năm 2001, Chính phủ đã “tổng rà soát” hệ thống pháp luật, đối chiếu với các quy định của BTA và WTO, thiết kế một chương trình luật pháp trình Quốc hội. Quốc hội nhiệm kỳ 2001 - 2005 đã bổ sung, làm mới gần hết các bộ luật, các luật cơ bản điều tiết kinh tế - xã hội. Tiếp đó, đến cuộc đàm phán gia nhập WTO là cuộc “tổng rà soát” trên phạm vi quốc tế, từ các văn bản quy phạm pháp luật cho đến tình hình thực thi luật pháp.

Việc Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ cho thấy chúng ta đã nắm chắc, hiểu rõ và tham gia tốt sân chơi toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung trong thương mại quốc tế cần chú trọng kiểm soát để tiếp tục nâng tầm trong bối cảnh mới, đơn cử như việc giám sát chặt xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu theo các FTA để tránh tình trạng gian lận xuất xứ gây thiệt thòi cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế.

Như vậy, đàm phán BTA và WTO có thể được coi là quá trình gồm hai giai đoạn Việt Nam từng bước xây dựng một hệ thống pháp luật công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử để hội nhập vào kinh tế thế giới.

Về cam kết mở cửa thị trường, cam kết trong BTA và WTO là một lộ trình mở cửa nền kinh tế, mở cửa thị trường Việt Nam trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại và dịch vụ. Sau WTO, Việt Nam ký một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) nữa. Gần đây, Việt Nam còn ký các FTA thế hệ mới, tức là các cam kết mở rộng lĩnh vực và cam kết sâu hơn, đi vào thể chế.

Nhờ quá trình đó, đến hôm nay, thị trường Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường rất mở. Tuy nhiên, hội nhập và mở cửa thị trường sẽ có cả cái tốt, cái xấu. Những cái tốt có thể được nhân lên, mở rộng và những cái xấu có thể được hạn chế nếu như “ông chủ nhà” khôn ngoan, giỏi giang, làm ăn có bài bản.

Và cũng có những giấc mơ không thành, đó là giấc mơ về dòng vốn đầu tư mạnh mẽ từ các nước phát triển làm thay đổi sâu sắc hơn nữa kinh tế Việt Nam. Chẳng hạn, tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ Hoa Kỳ mới chỉ xấp xỉ 10 tỷ USD là không đáng kể. Nhiều khả năng, dòng vốn này cũng chưa thể tăng nhanh do sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam vẫn còn thấp trong so sánh với nhiều nước khác.

Ở Việt Nam, hệ thống luật pháp hôm nay đã thay đổi rất nhiều, nền kinh tế đã chuyển sang kinh tế thị trường. Nhưng chính doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn kêu luật chồng chéo, khó thực thi. Tính theo tiêu chuẩn của các nước phát triển, môi trường kinh doanh vẫn chưa đủ minh bạch, thủ tục còn nhiêu khê, tham nhũng vẫn còn. Vì thế, các tập đoàn lớn vẫn chưa mặn mà rót vốn. Trong số các nhà đầu tư tại Việt Nam, có không ít nhà đầu tư chỉ chú trọng ngắn hạn, chưa muốn đầu tư lâu dài cho công nghệ mà chủ yếu tận dụng tài nguyên, sức lao động giá rẻ…

Do đó, khẳng định những thành tựu trong phát triển kinh tế nói chung, hội nhập nói riêng, nhưng không nên tự mãn. Việc tiếp tục nhận diện những điều chưa làm được để có giải pháp giải quyết triệt để là cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Bởi lẽ, trong thời đại toàn cầu hóa kinh tế, con đường có thể chọn để đưa đất nước phát triển, thu hẹp khoảng cách so với các nước phát triển khác là con đường hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Vào sân chơi chung phải theo luật chơi chung, những luật chơi đó sẽ giúp Việt Nam trưởng thành và phát triển.

Thực tế, Việt Nam đang có những bước tiến tích cực trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư, tích cực cải thiện quan hệ hợp tác với các nước để ngày càng có bản lĩnh trong cuộc cạnh tranh trên sân chơi toàn cầu. Mới đây, việc Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ cho thấy chúng ta đã nắm chắc, hiểu rõ và tham gia tốt sân chơi toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung trong thương mại quốc tế cần chú trọng kiểm soát để tiếp tục nâng tầm trong bối cảnh mới, đơn cử như việc giám sát chặt xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu theo các FTA để tránh tình trạng gian lận xuất xứ gây thiệt thòi cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế.

Hơn 20 năm trước, Việt Nam đã vượt qua bước ngoặt lớn của hội nhập, mở rộng cánh cửa cơ hội cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Giờ đây, đứng trước ngưỡng cửa mới của tăng tốc phát triển, với các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh tích cực, chủ trương tạo sự bình đẳng cho mọi thành phần doanh nghiệp, có thể kỳ vọng những bước đột phá mạnh mẽ của kinh tế nước nhà.

Tin cùng chuyên mục