Ông Danh trả lời thẩm vấn. |
Ngày 16/1, HĐXX tiếp tục thẩm vấn ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm trong việc dùng tiền gửi của VNCB tại TPBank bảo lãnh cho 11 pháp nhân vay vốn để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh, gây thiệt hại 1.740 tỷ đồng.
Trả lời HĐXX, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) thừa nhận cáo trạng quy kết mình về hành vi liên quan đến gói tín dụng này là đúng. Thời điểm đó do cần tiền chăm sóc khách hàng, trả tiền cho bà Hứa Thị Phấn(nguyên Cố vấn cấp cao Ngân hàng Đại Tín), ông Trần Quý Thanh (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát)… nên ông Phạm Công Danh đã chỉ đạo bị cáo tìm cách rút tiền khỏi VNCB.
Để thực hiện việc vay tiền và bảo lãnh, Mai nhờ Nguyễn Việt Hà (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần quản lý Quỹ Lộc Việt) giúp. Mai thống nhất với ông Hà sẽ uỷ thác đầu tư sang Quỹ Lộc Việt và mượn thêm pháp nhân các công ty khác để vay tiền TPBank mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung do ông Danh thành lập.
Mai không làm việc cụ thể với lãnh đạo TPBank mà gọi điện nói chuyện, do được Hà giới thiệu trước. Về hồ sơ vay, bị cáo giao cho Hoàng Đình Quyết (lúc đó là Trưởng phòng tín dụng VNCB) cùng Mai Hữu Khương chuẩn bị.
Sau khi hoàn thiện, Khương và Quyết chuyển sang cho Đinh Việt Cường (nguyên giám đốc khối ngân hàng doanh nghiệp TPBank) thông qua nhân viên giao nhận.
Là người chịu trách nhiệm chính trong việc ký 11 hồ sơ vay vốn của các công ty, Đinh Việt Cường cho rằng "cáo trạng có một số điểm chưa chính xác".
"Ở TPBank bị cáo không được quyết định số tiền cho vay, chỉ kiêm một phần giải quyết các hồ sơ cho vay. Trong 11 hợp đồng tín dụng, bị cáo ký 3 hồ sơ với tổng số tiền vay 450 tỷ đồng", Cường nói và cho biết 7 hợp đồng còn lại do Đặng Thị Bích Thuỷ (nguyên phó giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp) ký.
Trước khi ký, Cường cho rằng đã được Uỷ ban tín dụng duyệt các hợp đồng này vì bị cáo không có thẩm quyền.
"Theo bị cáo ai là người chịu trách nhiệm pháp lý tất cả các hợp đồng này?", chủ tọa hỏi. Tuy nhiên, Cường xin không trả lời.
Tương tự, bị cáo Đặng Thị Bích Thủy (bị cáo buộc có vai trò giúp sức ký 8/11 công ty vay TPBank) nói rằng, cáo trạng xác định mình bàn bạc với ông Danh trong việc cho vay, và phạm tội Cố ý làm trái, là "hơi khiên cưỡng".
Bởi, trong gói tín dụng với TPBank, bà chỉ tiếp xúc với Nguyễn Việt Hà. Sau khi nhận được chỉ đạo của lãnh đạo "có khách hàng muốn gặp", bị cáo gặp Hà và nhận giới thiệu cho Hà 4 công ty đứng ra vay vốn của TPBank đầu tư mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh.
Ông Phạm Công Danh.
"Bị cáo nhận thức được mình đã sai và đề nghị HĐXX thu hồi toàn bộ số tiền bị cáo đã gây thiệt hại 600 tỷ đồng thông qua 4 hợp đồng vay tại TPBank", Quyết nói và khẳng định việc sử dụng số tiền này chi cho ông Trần Quí Thanh và con gái đều có uỷ nhiệm chi, chứng từ kế toán cụ thể nhưng chưa được tòa xem xét.
HĐXX chuyển sang hỏi ông Danh về việc có biết Công ty Hải Tiến (công ty đứng ra nhận tiền sau khi được TPBank giải ngân)? Ông Danh cho biết thời gian lâu, sức khỏe yếu nên không nhớ. Ông đề nghị tòa hỏi bà Nguyễn Thị Thu Hương (nguyên nhân viên tài chính của Tập đoàn Thiên Thanh).
Theo bà Hương, Tập đoàn Thiên Thanh chuyển gần 40 tỷ đồng vào tài khoản của mình tại Agribank Lý Thường Kiệt để bà chuyển trả lãi cho Tập đoàn Thiên Thanh. Cụ thể chuyển trả lãi vay cho Agribank - Tân Phú 2,1 tỷ đồng; Agribank chi nhánh Láng Hạ (Hà Nội) gần 32 tỷ đồng, Ngân hàng Bản Việt 337 triệu đồng, Ngân hàng Oceanbank - Chi nhánh Sài Gòn gần 2 tỷ đồng.
Tiếp đó chuyển trả ông Quách Chánh Hưng tiền mua rượu trong thời giam dài (không có chứng từ) 1,25 tỷ đồng. Còn hơn 370 triệu được Hương rút ra mang về giao lại cho ông Danh sử dụng.
Ghi nhận lời khai của các bị cáo về việc chuyển cho ông Trần Quí Thanh 194 tỷ đồng và bà Bích 47 tỷ đồng chi trả lãi ngoài, VKS hỏi ông Phan Vũ Tuấn - đại diện theo ủy quyền của ông Thanh.
Tuy nhiên, người này phủ nhận việc ông Thanh đã nhận hơn 40 tỷ đồng như lời khai của các bị cáo. Số tiền 194 tỷ đồng chuyển vào tài khoản của ông Thanh là tiền Phạm Thị Trang (trang Phố Núi) vay của bà Bích chuyển trả. Trong giai đoạn một của vụ án, Phạm Thị Trang là một trong những kênh giúp ông Danh huy động tiền bên ngoài để chi chăm sóc khách hàng và trả nợ. Bà này sau đó bị khởi tố về hành vi đồng phạm với ông Danh nhưng đã xuất cảnh.
Một số ngân hàng nhận tiền có nguồn gốc từ khoản vay TPBank cũng lần lượt được gọi lên xác nhận. Họ cho biết đó là tiền chi trả lãi vay hoặc nợ của Tập đoàn Thiên Thanh và đã được tất toán.
Trong giai đoạn hai xét xử của đại án VNCB, ông Danh và 45 đồng phạm bị cáo buộc dùng tiền của VNCB bảo lãnh cho 29 lượt pháp nhân các công ty do mình thành lập hoặc đi mượn vay của Sacombank 1.800 tỷ đồng, BIDV 4.700 tỷ đồng và TPBank hơn 1.660 tỷ, gây thất thoát hơn 6.100 tỷ đồng của VNCB.