HoREA: Cần tháo gỡ cơ chế để tăng nguồn cung và hạ giá thành nhà ở

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tình trạng khan hiếm, mất cân đối cung - cầu nhà ở dẫn đến giá nhà tăng liên tục trong 5 năm gần đây, nhưng việc sớm tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về thể chế pháp luật cho nhiều dự án bất động sản, giúp làm tăng nguồn cung sản phẩm cho thị trường, vẫn chưa được xử lý.
Việc sớm tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về thể chế pháp luật cho nhiều dự án bất động sản, nhà ở, sẽ giúp làm tăng nguồn cung và hạ giá thành sản phẩm cho thị trường. Ảnh: Gia An
Việc sớm tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về thể chế pháp luật cho nhiều dự án bất động sản, nhà ở, sẽ giúp làm tăng nguồn cung và hạ giá thành sản phẩm cho thị trường. Ảnh: Gia An

Theo báo cáo tổng hợp kiến nghị của 57 doanh nghiệp đề nghị xem xét tháo gỡ vướng mắc cho 64 dự án bất động sản nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đệ trình lên các cấp có thẩm quyền, trong nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, có một nguyên nhân nổi cộm là do “vướng mắc, bất cập” quy định của một số văn bản luật, hoặc văn bản dưới luật chưa thống nhất đồng bộ, chưa liên thông, chưa sát thực tiễn nên đã và đang làm hạn chế sự phát triển bình thường của thị trường bất động sản.

Trước tình trạng này, theo HoREA, trước tiên, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần xem xét tháo gỡ một số vướng mắc, bất cập của Luật Nhà ở 2014. Chẳng hạn, Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 chưa quy định trường hợp nhà đầu tư “có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở” để thực hiện dự án nhà ở thương mại nên chưa thống nhất đồng bộ, chưa liên thông với các quy định của Luật Đất đai 2013, Luật Đầu tư 2020.

HoREA đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chấp thuận hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại đối với các trường hợp nhà đầu tư “có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở để thực hiện dự án nhà ở thương mại” bổ sung vào Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 theo đề xuất của Chính phủ tại Tờ trình số 535/TTr-CP ngày 1/12/2021.

Đối với vướng mắc về việc thực thi quy định miễn tiền sử dụng đất dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Nghị định 69/2021/NĐ-CP (thay thế Nghị định 101/2015/NĐ-CP) đã quy định nhiều cơ chế chính sách sát thực tế và có tính khả thi để thực hiện công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, trong đó có quy định miễn tiền sử dụng đất đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Nhưng, do Luật Nhà ở 2014 và Luật Đất đai 2013 chưa quy định miễn tiền sử dụng đất dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, nên có thể chưa thực hiện được việc miễn tiền sử dụng đất dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của Nghị định 69/2021/NĐ-CP. Do đó, HoREA đề nghị bổ sung quy định “miễn tiền sử dụng đất dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư” vào Luật Nhà ở 2014 và Luật Đất đai 2013.

Ảnh Internet

Ảnh Internet

Riêng về chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, do quy định đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội “phải thuộc diện không phải chịu thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân”, nhưng quy định mức thu nhập không phải chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh khá thấp so với chi phí thực tế, nên nhiều người có thu nhập thấp tại đô thị lại không đủ điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên xem xét tăng mức thu nhập tối thiểu không phải chịu thuế thu nhập cá nhân từ 11 triệu đồng lên khoảng 13 triệu đồng và tăng mức giảm trừ gia cảnh từ mức 4,4 triệu đồng lên khoảng 5,5 triệu đồng để phù hợp hơn với thu nhập thực tế sau 7 năm thực hiện Luật Nhà ở 2014 và tạo điều kiện cho một số đối tượng thu nhập thấp tại đô thị cũng được hưởng chính sách nhà ở xã hội.

Đáng lưu ý nữa là, vướng mắc về việc thực thi quy định của Luật Nhà ở 2014 về nghĩa vụ của tất cả các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải dành một phần diện tích đất ở của dự án để phát triển nhà ở xã hội, nhưng do một số quy định của Nghị định 100/2015/NĐ-CP và Nghị định 49/2021/NĐ-CP chưa thật phù hợp với Luật Nhà ở 2014 nên có thể dẫn đến làm thất thu ngân sách nhà nước, hoặc thất thoát quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội.

Do đó, HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 13 Luật Nhà ở 2014, theo hướng: "Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách miễn, giảm thuế, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi, các cơ chế ưu đãi tài chính khác và hỗ trợ từ nguồn vốn của Nhà nước để thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, nhà ở giá phù hợp với thu nhập của người có thu nhập trung bình thấp và người có thu nhập thấp tại đô thị theo quy định của Chính phủ”.

Cùng với đó, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét xây dựng bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ về nhà ở giá phù hợp với thu nhập với mức ưu đãi bằng khoảng 25 - 50% chính sách hỗ trợ, ưu đãi đang áp dụng cho nhà ở xã hội, để tạo điều kiện đẩy mạnh việc phát triển “nhà ở giá phù hợp với thu nhập của người có thu nhập trung bình thấp và người có thu nhập thấp tại đô thị”.

Tin cùng chuyên mục