HSBC: Cẩn trọng với những rủi ro trong lĩnh vực bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nhiều lần công bố luôn kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản. Dù vậy, vẫn cần thận trọng trong việc vừa kiểm soát chặt chẽ và hạn chế tín dụng vào bất động sản vừa giảm thiểu rủi ro trước mắt do Covid-19 gây ra đối với ngành này.
Giá nhà ở tăng có thể kìm hãm khả năng NHNN tiếp tục cắt giảm lãi suất. Ảnh: Internet
Giá nhà ở tăng có thể kìm hãm khả năng NHNN tiếp tục cắt giảm lãi suất. Ảnh: Internet

Đó là ý kiến đáng chú ý tại Báo cáo nghiên cứu kinh tế vĩ mô tháng 6 vừa được ngân hàng HSBC phát hành.

Theo bộ phận nghiên cứu của ngân hàng này, lĩnh vực bất động sản luôn có tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam không chỉ từ khía cạnh có đóng góp cho tăng trưởng chung mà còn từ những rủi ro của ngành này.

Việc thiếu vắng thông tin chính thống về thị trường vẫn đang là một thách thức với giới nghiên cứu và quan sát thị trường. Trong khi đó, các thông tin công khai cho thấy giá nhà ở các thành phố lớn tăng lên trong vòng hai năm qua, đặc biệt ở phân khúc bất động sản cao cấp. Một phần nguyên nhân là do chính sách tiền tệ hỗ trợ và nhu cầu thị trường trong nước gia tăng.

Trong những năm gần đây, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đã theo dõi sát sao ngành bất động sản. Theo HSBC, đây là một lĩnh vực lớn không thể lơ là, bất động sản đóng góp 5 - 15% cho GDP của ASEAN, tỷ lệ này ở Việt Nam là khoảng 8%. Quan trọng hơn hết, những ký ức về hiện tượng bong bóng nhà đất năm 2007 - 2012 kéo theo khủng hoảng ngân hàng kéo dài vẫn là nỗi ám ảnh.

Mặc dù ngành ngân hàng đã có những kết quả tích cực, dư nợ bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Một số ngân hàng không phân định rõ các khoản vay bất động sản, còn báo cáo tài chính của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước “Big 4” cho thấy có mối liên hệ trực tiếp giữa tăng trưởng tín dụng chung và tín dụng cho lĩnh vực xây dựng. Xét cho cùng, Việt Nam vẫn dùng tăng trưởng tín dụng cao là đòn bẩy chính cho phát triển kinh tế.

Đây không phải lần đầu NHNN kiểm soát chặt thị trường bất động sản để giảm thiểu rủi ro. Trước đây, cơ quan này từng áp dụng những chính sách vĩ mô đảm bảo an toàn nhằm kiểm soát tín dụng chảy vào bất động sản. Một trong những công cụ chính của NHNN chính là kiểm soát chặt tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn ngân hàng cho vay trung và dài hạn.

Tháng 8/2020, NHNN đã hoãn lại lộ trình điều chỉnh tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thêm một năm. Theo đó, NHNN sẽ giảm tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung hạn và dài hạn từ 40% xuống 37% từ tháng 10/2021, xuống 34% từ tháng 10/2022 và giảm tiếp xuống 30% từ tháng 10/2023.

Nếu thị trường có dấu hiệu nóng lên, NHNN sẵn sàng có thêm nhiều động thái khác, chẳng hạn siết chặt hạn mức tín dụng bất động sản. Mặc dù vậy, đợt bùng dịch Covid-19 gần đây có nguy cơ gây khó khăn cho việc ban hành và thực thi các giải pháp này do lo ngại tác động tiêu cực đối với sự tăng trưởng chung của Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục