Theo số liệu từ Hiệp hội Xi măng Việt Nam, lượng xi măng tiêu thụ nội địa năm 2023 chỉ bằng 84% so với năm 2022. Ảnh: Song Lê |
Theo ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, ngành xi măng đang đối mặt với những khó khăn rất lớn. “Không chỉ dư cung, tiêu thụ nội địa thấp mà xuất khẩu cũng khó khăn. Trong khi đó, giá bán xi măng và clinker liên tục giảm và sức ép về giảm phát thải khí nhà kính đang “đè nặng” lên Ngành… Nhiều sản phẩm xi măng đang phải bán dưới giá thành. Điều này đồng nghĩa với thực tế DN đang kiệt sức dần”, ông Cung lo ngại.
Số liệu của Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho thấy, so với năm 2022, lượng xi măng tiêu thụ nội địa năm 2023 chỉ bằng 84%, trong khi đó, lượng xi măng xuất khẩu bằng 99%. Tình hình tiêu thụ xi măng 7 tháng đầu năm nay cũng chưa có dấu hiệu cải thiện, với sản lượng tiêu thụ chỉ bằng 97% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù dư cung, nhưng gần đây một số nhà máy xi măng tiếp tục hoàn thành và đưa vào vận hành, trong đó có dây chuyền 3 của Nhà máy Xi măng Xuân Thành; dây chuyền của Nhà máy Xi măng Thành Thắng. Điều này khiến tình hình tiêu thụ càng thêm khó khăn khi áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Ngày 26/8/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg về giải pháp tháo gỡ khó khăn sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng.
Tại Chỉ thị, Thủ tướng nhấn mạnh đến các nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành xi măng như: nghiên cứu chính sách thuế về xuất khẩu sản phẩm clinker xi măng để bảo đảm tính cạnh tranh với các nước cùng xuất khẩu mặt hàng này; áp dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhà ở...
Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhìn nhận, có nhiều giải pháp để hỗ trợ DN xi măng vượt qua khó khăn, thách thức hiện nay. Trong đó, giải pháp về công nghệ giúp DN tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất với việc giảm chi phí, giảm giá bán sản phẩm là một trong những giải pháp hiệu quả giúp DN xi măng nâng cao sức cạnh tranh, phát triển bền vững.
Theo ông Nguyễn Quang Cung, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải trong sản xuất xi măng là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Hiện nay, một số quốc gia trên thế giới đã ứng dụng công nghệ tiên tiến để cải thiện sản xuất, mà DN trong nước có thể tham khảo.
Tại Hội thảo kỹ thuật Những tiến bộ công nghệ trong sản xuất xi măng với chủ đề “Giải pháp tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải trong sản xuất xi măng”, ông Liu Janhua, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Công trình quốc tế Nam Kinh (CHOPE) của Trung Quốc cho rằng, thực trạng chung của các nhà máy xi măng vận hành lâu năm là tiêu hao nhiệt cao, tiêu hao điện cao, chất lượng và sản lượng không ổn định, chỉ tiêu phát thải ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn. Theo đó, bài toán đặt ra là cần cải tạo tiết kiệm năng lượng, cải tạo giảm phát thải, tận dụng khí để phát điện… Những năm gần đây CHOPE đã triển khai nghiên cứu phát triển và thực hiện công nghệ xi măng mới 2.0 và hiện đã ứng dụng thành công cho nhiều dây chuyền sản xuất mới xi măng cũng như cải tạo kỹ thuật cho các nhà máy xi măng đã được đầu tư. Ông Liu Janhua cho hay, mặc dù khối lượng xử lý không lớn, chi phí đầu tư ít, thời gian thi công ngắn nhưng sau khi xử lý hệ thống vận hành ổn định và tối ưu hơn, sản lượng tăng thêm.
Bên lề Hội thảo, chia sẻ với Báo Đấu thầu, PGS.TS Lương Đức Long, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, các nhà máy sản xuất xi măng Việt Nam đang tìm giải pháp bắt nhịp với xu thế phát triển chung của ngành công nghiệp xi măng thế giới, trong bối cảnh xu thế phát triển xanh, bền vững bao trùm toàn cầu.
Ông Long thông tin, hầu hết các nhà máy sản xuất xi măng trên thế giới được đầu tư xây dựng có sử dụng nhiên liệu hoá thạch, nhưng xu thế hiện nay đang chuyển mạnh sang nhiên liệu thay thế với việc sử dụng rác thải làm nhiên liệu. Công nghệ này cũng đang được các nhà sản xuất xi măng Việt Nam nghiên cứu để áp dụng.