Doanh thu nhóm ngành "Viễn thông, phần mềm" là 43.985 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH Shopee 2.329 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 5,29%. |
Đó là đánh giá của Bộ Tài chính về Công ty TNHH Shopee (Shopee) tại báo cáo tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2020 của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vừa được gửi đến Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ Tài chính, năm 2020, dịch Covid 19 là yếu tố tác động và gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến rất nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, tuy nhiên bên cạnh đó một số lĩnh vực có cơ hội trở thành xu hướng phát triển và được hưởng lợi từ đại dịch, trong đó có lĩnh vực: "Viễn thông, phần mềm". So với năm 2019, tổng tài sản toàn ngành tăng 6.823 tỷ đồng (23,2%), vốn đầu tư của chủ sở hữu tăng 3.376 tỷ đồng (26%), doanh thu tăng 5.113 tỷ đồng (13,2%), nộp NSNN tăng 212 tỷ đồng (9%).
Doanh thu nhóm ngành "Viễn thông, phần mềm" là 43.985 tỷ đồng, trong đó 02 dự án có doanh thu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhóm ngành này là: Công ty cổ phần Airpay 4.555 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10,35% và Công ty TNHH Shopee 2.329 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 5,29%.
Công ty cổ phần Airpay (Airpay): Tại thời điểm 31/12/2020, tổng tài sản của Công ty là 2.077 tỷ đồng, tăng 1.201 tỷ đồng, tương đương gấp 137% so với năm trước; nợ phải trả là 1.427 tỷ đồng, tăng 895 tỷ đồng, đồng thời là mức tăng từ nợ ngắn hạn; vốn chủ sở hữu là 650 tỷ đồng, tăng 306 tỷ đồng (89%) so với năm 2019, trong đó chủ sở hữu bổ sung số vốn đầu tư là 140 tỷ đồng (tăng 105%) so với năm 2019. Khả năng thanh toán ngắn hạn và khả năng thanh toán nhanh đều là 1,43 lần ở mức an toàn, cao hơn so với khả năng thanh toán của toàn nhóm ngành năm 2020; hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu năm 2020 là 2,2 lần ở mức cao, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với toàn ngành.
Công ty Shopee tại thời điểm khóa sổ 31/12/2020, tổng tài sản của Công ty là 3.426 tỷ đồng, tăng 1.782 tỷ đồng (108%) so với năm trước; nợ phải trả là 4.888 tỷ đồng, tăng mạnh gấp 227% so với năm trước và 99,85% mức tăng này đến từ nợ ngắn hạn; vốn chủ sở hữu là âm (-) 1.463 tỷ đồng, lỗ mất vốn do lỗ lũy kế của Công ty vẫn tiếp tục tăng 31% so với năm 2019. Khả năng thanh toán ngắn hạn và khả năng thanh toán nhanh cùng ở mức là 0,64 lần cho thấy khả năng thanh toán của Công ty thấp và có thể gặp rủi ro tài chính khi thanh toán các khoản nợ đến hạn do tài sản ngắn hạn thấp hơn nợ phải trả ngắn hạn.
Tác động của đại dịch Covid 19 đã thúc đẩy việc chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn đến thói quen của người tiêu dùng như: giao dịch trên ngân hàng số, giao dịch trên ví điện tử, giao dịch trên các sàn thương mại điện tử,…Theo đó, nhóm ngành "Viễn thông, phần mềm" là một trong những nhóm ngành được đánh giá là có yếu tố thuận lợi trong thời kỳ Covid 19.
Cụ thể, Công ty Airpay và Công ty Shopee có doanh thu tăng mạnh, mức tăng doanh thu của cả 02 DN là 2.964 tỷ đồng, đóng góp 58% vào sự tăng trưởng doanh thu của toàn ngành. Tuy doanh thu tăng cao, quy mô vốn đầu tư lớn (Công ty Shopee) và có sự mở rộng về quy mô (Công ty Airpay), nhưng 02 DN vẫn báo lỗ, trong đó có Công ty Shopee bị lỗ mất vốn, mức độ đóng góp vào NSNN hạn chế (số nộp NSNN của 02 DN lần lượt là 67,86 tỷ đồng, 48 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,69% và 1,9% số nộp NSNN của toàn ngành).
Bên cạnh đó, qua phân tích chỉ số tài chính của 02 DN trên cho thấy sự ảnh hưởng không tích cực đến chỉ tiêu toàn ngành như: hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu tăng từ 1,8 lần lên 2,6 lần, ROS giảm từ (-4,9%) xuống (-8%), ROE giảm từ (-16,7%) xuống (-35%), ROA giảm từ (-5,9%) xuống (-9,8%),... Điều đó cho thấy việc thu hút doanh nghiệp FDI có quy mô vốn lớn chưa hẳn là đã có đóng góp tích cực hơn vào nguồn NSNN, cũng như tác động tích cực đối với các chỉ tiêu tài chính của ngành.