Hướng tới làm chủ công nghệ lĩnh vực năng lượng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao; việc nội địa hoá và hỗ trợ thị trường từ các dự án trong ngành năng lượng cho hàng hoá cơ khí chế tạo, sản xuất trong nước còn hạn chế…
Các dự án năng lượng tái tạo bùng nổ mạnh mẽ nhưng thiết bị chủ yếu phải nhập khẩu. Ảnh: Lê Tiên
Các dự án năng lượng tái tạo bùng nổ mạnh mẽ nhưng thiết bị chủ yếu phải nhập khẩu. Ảnh: Lê Tiên

Do đó, quy hoạch phát triển năng lượng thời gian tới cần tập trung xây dựng ngành công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch.

Công nghệ chủ yếu phải nhập khẩu

Phát biểu tại Diễn đàn Công nghệ và năng lượng Việt Nam sáng 17/9 tại Hà Nội, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, ngành năng lượng Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực, bám sát định hướng và đạt được nhiều mục tiêu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực còn hạn chế, tỷ lệ nội địa hóa thiết bị trong các dự án ngành năng lượng vẫn thấp...

Đồng tình với nhận xét này, bên lề Diễn đàn, PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam nhấn mạnh, cho đến nay, chúng ta vẫn chủ yếu nhập khẩu công nghệ ở nước ngoài, dù là công nghệ của nhiệt điện than, nhiệt điện khí hay điện tái tạo. Ngành năng lượng đầu tư rất lớn, từ 8 - 10 tỷ USD/năm, nhưng công nghệ cho năng lượng chưa được coi trọng. “Tại sao sau bao năm phát triển ngành năng lượng mà không xây dựng được ngành công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng?”, ông Nghĩa đặt vấn đề.

Trong khi đó, 2 năm gần đây, với cơ chế, chính sách khuyến khích của Nhà nước, các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) bùng nổ mạnh mẽ, nhất là điện mặt trời.

Đáng tiếc, theo một nhà đầu tư tư nhân lớn trong lĩnh vực này, hiện ở các dự án điện mặt trời, các nhà sản xuất trong nước chỉ cung cấp được phần khung kết cấu (cọc và khung đỡ), còn lại các thiết bị khác đều phải nhập khẩu. Tương tự, tại các nhà máy nhiệt điện than, ông Phan Ngọc Cẩm Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 cho biết, phần lớn các thiết bị chính vẫn phải nhập khẩu.

Tiến tới làm chủ theo cách nào?

Đề cập về xu hướng công nghệ trong lĩnh vực năng lượng trên thế giới, ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia cấp cao Hội đồng Năng lượng thế giới tại Việt Nam cho biết, những năm gần đây đã chứng kiến tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng do việc sử dụng các dạng năng lượng truyền thống như: than, dầu, khí… Thế giới bước vào giai đoạn phát triển mới, sử dụng năng lượng sạch, phát triển bền vững cho tương lai. Vì vậy, phát triển NLTT là xu hướng tất yếu. Khi ấy, công nghệ sẽ ngày càng có tác động mạnh lên sản xuất năng lượng. Trước tiên là các thiết bị lưu trữ năng lượng nhằm hài hòa cung và cầu hiệu quả. Tiếp đó là các tấm pin mặt trời cải tiến; hydro sạch, tuabin cho năng lượng gió…

“Quy hoạch và phát triển năng lượng thời gian tới phải dựa trên các tiêu chí: an ninh năng lượng; bảo vệ môi trường; không carbon; áp dụng kỹ thuật số… để tiến tới làm chủ, ứng dụng và phát triển công nghệ”, ông Tuấn khuyến nghị.

Về vấn đề này, ông Đinh Thế Phúc, Vụ trưởng Vụ Năng lượng thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị, cần triển khai những chương trình nghiên cứu và phát triển tầm cỡ quốc gia về chuyển đổi năng lượng, NLTT; xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm hoạt động theo cơ chế mở nhằm tạo điều kiện làm việc tốt cho nhiều nhóm nghiên cứu tại các trường đại học và viện nghiên cứu chuyên ngành…

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Vinh, Tổng giám đốc Tập đoàn Hà Đô cho rằng, trong bối cảnh khoa học công nghệ thay đổi hàng ngày như hiện nay, để làm chủ được công nghệ lĩnh vực NLTT, đội ngũ nhân lực cần được nâng cấp trình độ, nâng cao hiệu quả ứng dụng, vận hành, tiến tới sản xuất hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục