Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Tối ưu quản lý giao thông
Việc đầu tư, ứng dụng tiềm năng hệ thống ITS đang có tín hiệu lạc quan khi mới đây, ông Shawn Smith, Tổng giám đốc Công ty Vigilant Solutions (Mỹ) cho biết doanh nghiệp này muốn triển khai dự án hệ thống ITS cho TP.HCM với nguồn vốn tài trợ khoảng 300 triệu USD. Nguồn vốn này sẽ bao gồm đầu tư nhân sự, công nghệ và xây dựng cơ sở điều hành giao thông thông minh, hệ thống camera giám sát di động và cố định nhằm giảm tắc nghẽn giao thông, cải thiện an toàn công cộng và giảm phát thải ra môi trường.
Với hơn 90% phương tiện đi lại ở TP.HCM là xe gắn máy và việc sở hữu xe máy tăng hơn 10% mỗi năm trong vòng 2 thập kỷ qua là một trong những nguyên nhân chính gây tắc nghẽn giao thông. Chính vì vậy, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng, việc phát triển trung tâm điều hành giao thông thông minh quy mô hoàn chỉnh vào năm 2020 là rất cần thiết.
Theo PGS. TS. Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, trong chính sách phát triển vận tải trung và dài hạn của TP.HCM, cần quy hoạch ITS với các hệ thống như: dẫn đường; thu phí điện tử; trợ giúp lái xe an toàn; tối ưu hoá quản lý giao thông; tăng cường hiệu quả quản lý đường; trợ giúp cho giao thông công cộng; trợ giúp cho người đi bộ; trợ giúp cho những trường hợp khẩn cấp.
Còn theo nhóm nghiên cứu của GS. TS. Manfred Boltze (Đại học Công nghệ Damrstadt - CHLB Đức) và TS. Vũ Anh Tuấn (Đại học Việt - Đức), khó có thể tưởng tượng được sự tồn tại của một hệ thống giao thông công cộng đô thị linh hoạt với chất lượng cao mà lại không áp dụng ITS. Bởi vì nó sẽ giúp cải thiện dòng giao thông (thông qua việc xây dựng trung tâm quản lý kiểm soát giao thông đô thị), nâng cao an toàn giao thông (thông qua hệ thống máy quay ngăn chặn chạy quá tốc độ, tắt nghẽn tại các nút giao; hệ thống đèn tín hiệu giao thông thông minh), nâng cao sự an ninh và giảm vi phạm (hệ thống camera an ninh), cải thiện giao thông công cộng, nâng hiệu quả vận tải hàng hoá…
Bài toán thu vốn đầu tư
Về chủ trương, việc phát triển hệ thống ITS của TP.HCM chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến năm 2017) sẽ kết nối 250 chốt tín hiệu giao thông trên 78 tuyến đường chính về trung tâm, phục vụ điều khiển giao thông trên những trục đường chính nhằm giảm bớt ùn tắc, xử lý hành vi vi phạm giao thông. Giai đoạn 2 (đến năm 2020) sẽ xây dựng hoàn chỉnh trung tâm ITS để quản lý chung trên toàn TP.HCM, đạt các chức năng chính phổ biến trên thế giới như: giám sát, điều khiển giao thông; cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng và người dân; tích hợp các hệ thống liên quan đến giao thông công cộng; điều tiết chung…
Làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM xoay quanh triển khai ITS, phía Công ty Vigilant Solutions cho biết, trước mắt họ sẽ áp dụng hệ thống camera nhận diện biển số xe tự động kết hợp với tính năng thu phí, liên kết với mạng đăng ký biển số xe quốc gia để nhận dạng xe, hệ thống thu tiền phạt, camera cố định và di động để phạt xe dừng đỗ sai quy định... Nguồn thu vốn đầu tư có thể thông qua việc thu phí giao thông.
Trong khi đó, bàn về nguồn vốn đầu tư, nhóm nghiên cứu của Đại học Việt - Đức cho rằng, ngày càng nhiều những nỗ lực giới thiệu hệ thống thu phí như một công cụ tạo doanh thu và huy động vốn. Tuy nhiên, người sử dụng đường chỉ chấp nhận thanh toán thêm nếu những doanh thu mới này phải chắc chắn được sử dụng để cải thiện hệ thống giao thông và không được cắt giảm các khoản chi phí khác. Do đó, tác động của các công cụ định giá phải được đánh giá và cân bằng trong mỗi trường hợp cụ thể.