Vụ án tại Công ty Intimex Hà Nội có nhiều tình tiết chưa được làm rõ |
Vừa qua, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tuyên hủy bản án sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thăng Long (nguyên Tổng giám đốc Công ty Intimex Hà Nội) về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Như vậy, câu chuyện về góp vốn, thỏa thuận, đầu tư riêng chưa được làm sáng tỏ.
Lấy tiền công ty, đầu tư riêng
Theo giấy phép đăng ký, Intimex Hà Nội có vốn điều lệ 10 tỷ đồng, vốn nhà nước chiếm 51%, Nguyễn Thăng Long là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm, Tổng giám đốc từ tháng 4/2006 - 8/2010. Trong số đối tác của Intimex Hà Nội có Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai).
Cơ quan tố tụng cho rằng, thực chất 15 tỷ đồng là khoản tiền đầu tư cá nhân của Nguyễn Thăng Long để góp vốn kinh doanh bất động sản với bà Lan Anh và Ngô Thị Thu Hoa, mua 8 lô đất tại TP.HCM, Đồng Nai và Bình Phước, trị giá hơn 30 tỷ đồng.
Nguồn tiền 15 tỷ đồng được lấy từ đâu? Theo cáo buộc, Nguyễn Thăng Long đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới làm giả phương án kinh doanh, hợp đồng mua cà phê của Công ty Vĩnh Hiệp, hợp đồng bán cà phê cho đối tác nước ngoài. Những hợp đồng này được dùng để đưa vào hồ sơ vay vốn các ngân hàng.
Đến hạn, các ngân hàng đã tất toán hợp đồng tín dụng trên, thu tiền gốc, tiền lãi trong tài khoản của Intimex Hà Nội.
Tháng 5/2008, Nguyễn Thăng Long đề nghị bán đất để hoàn trả tiền Intimex Hà Nội, nhưng tại thời điểm đó, giá đất xuống thấp không bán được. Để giải quyết dứt điểm khoản tiền góp vốn của Nguyễn Thăng Long, bà Trần Thị Lan Anh và Ngô Thị Thu Hoa đã góp tiền trả cho Intimex Hà Nội. Công ty này chỉ còn thiệt hại về số tiền lãi phải trả ngân hàng hơn 8 tỷ đồng.
Ngày 10/8/2015, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt Nguyễn Thăng Long 11 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Sau đó, bị cáo Long kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm.
Tranh cãi 8 tỷ đồng Intimex Hà Nội thiệt hại
Theo luật sư Nguyễn Văn Quang (bào chữa cho bị cáo Long), cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định khoản lãi của 15 tỷ đồng đối với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước phúc đáp: “Đây không phải quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và khách hàng mà là quan hệ giao dịch thông qua hợp đồng kinh tế… Pháp luật ngân hàng không có quy định nào điều chỉnh về mối quan hệ này”.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra đề nghị Intimex Hà Nội tính lãi 15 tỷ đồng từ ngày 28/1/2008 đến ngày 5/7/2013 (ngày khởi tố vụ án). Văn bản áp dụng là Công văn số 244/TANDTC-KHXX ngày 5/11/2012 về cách tính lãi, mức lãi suất đồng Việt Nam theo Quyết định 2868/QĐ-NHNN.
Luật sư Quang cho rằng, Công văn 244 chỉ điều chỉnh cách áp dụng lãi suất tín dụng ngân hàng. Quyền và nghĩa vụ kinh tế, dân sự của người điều hành doanh nghiệp khi quyết định các thương vụ kinh doanh của doanh nghiệp không thể áp dụng công thức áp lãi trên.
“Nếu có rủi ro mà Intimex yêu cầu Nguyễn Thăng Long phải bồi thường thì phải thực hiện theo Điều 28, Điều lệ công ty và khởi kiện bằng vụ án dân sự”, luật sư Quang nói.
Theo luật sư Quang, việc góp vốn với số tiền lớn nhưng các bên không đưa ra được bất cứ tài liệu nào như hợp đồng đặt cọc, hợp đồng mua đất, văn bản hợp tác… Nguồn chứng cứ duy nhất là giấy nhận lại tiền đặt cọc mua đất. Trước, trong và sau khi ký, Long đều báo cáo cho đại diện công ty mẹ. Trong số 11 tỷ đồng Công ty Vĩnh Hiệp trả lại, chỉ có khoản 3 tỷ đồng có “xác nhận nhận lại tiền mua đất”. Vậy số tiền còn lại là tiền gì thì chưa được cơ quan điều tra làm rõ. Bên cạnh đó, Intimex Hà Nội đang “quản lý” 131.000 cổ phần (giá trị gốc 1,3 tỷ đồng) của bị cáo Long nhưng tòa án không đề cập giải quyết.
Do nhiều tình tiết chưa được làm rõ, cấp phúc thẩm đã quyết định hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.