Huy động 3.500 tỷ từ cổ đông, Gelex rót vào đâu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sáng 29/12/2020, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) Tổng công ty CP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) đã thông qua phương án chào bán gần 293 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền mua với tỷ lệ 10:6 (1 cổ phiếu được hưởng 1 quyền mua và cứ 10 quyền mua được mua 6 cổ phiếu mới).
Huy động 3.500 tỷ từ cổ đông, Gelex rót vào đâu?

Với mức giá chào bán là 12.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 22,7% so với giá trị sổ sách của Gelex tại thời điểm 30/9/2020 (15.515 đồng/cổ phiếu), Gelex dự kiến thu về tối đa hơn 3.500 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành trong nửa đầu năm 2021.

Gelex cho biết, đây sẽ là nguồn lực quan trọng cho chiến lược kinh doanh tiếp theo của Tổng công ty. Hơn 3.500 tỷ đồng huy động từ cổ đông sẽ được Gelex rót vào 5 dự án điện gió, 1 dự án khách sạn và củng cố nội lực (vốn cổ phần)… Công ty cũng quyết tâm hợp nhất thành công Tổng công ty Viglacera trong năm 2021.

Cụ thể, Gelex dự kiến rót 1.800 tỷ đồng vào 5 dự án điện gió với tổng công suất 140 MW tại tỉnh Quảng Trị gồm: Dự án Nhà máy Điện gió Hướng Phùng 2 và 3, Dự án Nhà máy Điện gió Gelex 1, 2 và 3 (tổng mức đầu tư 5.700 tỷ đồng). Công ty dự kiến sẽ đưa các dự án này vào hoạt động trong quý III/2021 để được hưởng giá điện 8,5 cents/KWh.

Đồng thời, Gelex đầu tư 500 tỷ đồng để triển khai Dự án Tổ hợp khách sạn, dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê tại số 10 Trần Nguyên Hãn và 27 - 29 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (tổng mức đầu tư 2.100 tỷ đồng). Dự án đang được giải phóng mặt bằng và chuẩn bị triển khai xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2023.

Ngoài ra, Tổng công ty sẽ dành 800 tỷ đồng để tái cơ cấu tài chính và bổ sung nguồn vốn kinh doanh cho Công ty CP Thiết bị điện Gelex (Gelex Electric).

Những năm gần đây, Gelex liên tục tăng chi đầu tư cho tăng trưởng và mở rộng quy mô hoạt động, trong đó phần nhiều sử dụng nợ vay. Tính đến cuối quý III/2020, tổng vay nợ tài chính dài hạn và ngắn hạn là gần 10.854 tỷ đồng, bằng gần một nửa tổng tài sản của Gelex và gấp hơn 20 lần so với cuối năm 2015. Hệ quả là chi phí tài chính liên tục tăng cao từ mức 75 tỷ đồng năm 2016 lên dự kiến trên 1.000 tỷ đồng năm 2020, khiến lợi nhuận chưa thể tăng trưởng tương xứng với tốc độ tăng doanh thu.

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ, ban lãnh đạo Gelex cho biết, doanh thu thuần cả năm 2020 của Tổng công ty đã hoàn thành kế hoạch, dự kiến đạt 17.500 tỷ đồng, tăng 14% so với năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế ước vượt 33% kế hoạch đề ra, đạt 975 tỷ đồng, bằng 90% so với năm ngoái.

Hiện Gelex đang nắm giữ 46,07% vốn điều lệ Tổng công ty Viglacera và quyết tâm sở hữu tỷ lệ chi phối tại doanh nghiệp này vào quý II năm tới. Sau khi hợp nhất với Viglacera, ban lãnh đạo Gelex đặt kế hoạch doanh thu năm 2021 đạt khoảng 33.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.800 tỷ đồng, tăng trưởng gấp đôi so với năm 2020.

Về hoạt động đầu tư, Gelex đã hoàn thành sở hữu Công ty Dây đồng Việt Nam (CFT), một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng. Ban lãnh đạo Gelex cho biết, nhu cầu khối lượng đồng cần mua của CFT tương ứng 1.233 tỷ đồng. Do đó, Gelex sẽ sử dụng hơn 415 tỷ đồng từ đợt chào bán cổ phiếu và huy động thêm một phần vốn vay để phục vụ nhu cầu vốn lưu động này trong năm 2021.

Tin cùng chuyên mục