IMF: Kinh tế toàn cầu đối mặt với năm 2023 khó khăn hơn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết, năm 2023 sẽ là một năm khó khăn đối với phần lớn nền kinh tế toàn cầu, khi các động lực chính của tăng trưởng toàn cầu là Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đều trải qua hoạt động kinh tế suy yếu.
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva

Vào tháng 10/2022, IMF đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2023, phản ánh bởi xung đột Nga - Ukraine, cũng như áp lực lạm phát và lãi suất cao do các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thiết kế nhằm mục đích giảm bớt những áp lực giá cả.

Theo IMF, Trung Quốc đã loại bỏ chính sách Zero Covid và bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế; tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn cảnh giác khi các ca nhiễm gia tăng.

"Lần đầu tiên sau 40 năm, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc vào năm 2022 có thể bằng hoặc thấp hơn tốc độ tăng trưởng toàn cầu", bà Georgieva cho biết. Tình trạng gia tăng các ca nhiễm Covid-19 trong những tháng tới có thể sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến nền kinh tế của Trung Quốc trong năm nay và kéo theo sự tăng trưởng của cả khu vực và toàn cầu.

"Trong vài tháng tới, Trung Quốc sẽ gặp khó khăn và tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, tác động tiêu cực đến khu vực và đến tăng trưởng toàn cầu", bà Georgieva nhận xét. Trong báo cáo tháng 10/2022, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đạt 3,2% trong năm 2022 và 4,4% trong năm 2023.

Trong khi đó, theo IMF, nền kinh tế Mỹ đang tách biệt và có thể tránh được sự thu hẹp hoàn toàn có khả năng ảnh hưởng đến 1/3 nền kinh tế thế giới.

"Mỹ là quốc gia kiên cường nhất và nước này có thể tránh được suy thoái. Chúng tôi thấy thị trường lao động vẫn khá mạnh", Giám đốc điều hành IMF cho biết.

Nhưng thực tế này cũng tiềm ẩn rủi ro, vì điều đó có thể cản trở tiến trình mà Fed cần đạt được trong việc đưa lạm phát của Mỹ trở lại mức mục tiêu từ mức cao nhất trong bốn thập kỷ. Lạm phát có dấu hiệu đã vượt qua đỉnh điểm khi năm 2022 kết thúc, nhưng theo thước đo của Fed, lạm phát vẫn cao gần gấp ba lần mục tiêu 2%.

Năm ngoái, trong đợt thắt chặt chính sách mạnh mẽ nhất kể từ đầu những năm 1980, Fed đã nâng lãi suất chính sách từ gần bằng 0 vào tháng 3 lên mức hiện tại là 4,25 - 4,5%. Tháng trước, giới chức Fed dự báo, lãi suất sẽ vượt mốc 5% vào năm 2023, một mức chưa từng thấy kể từ năm 2007.

Tin cùng chuyên mục