Lần đầu tiên trong quan điểm về cơ cấu lại nền kinh tế trình bày một cách rất rõ ràng về nội dung cơ cấu lại không gian kinh tế. Ảnh: Lê Tiên |
Một trong những điểm mới của Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 được đặt lên bàn nghị sự Phiên họp thứ 4 Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ 11 - 14/10 là cơ cấu lại không gian kinh tế, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn nhằm gia tăng lợi ích lan tỏa, đổi mới mô hình tăng trưởng, tìm kiếm động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.
Chưa phát huy hiệu quả của liên kết vùng
Đánh giá về kết quả thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh nhiều kết quả quan trọng, trong đó có việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ; thúc đẩy liên kết ngành, địa phương, phát huy vai trò của các ngành kinh tế trọng điểm.
Theo đó, nhiều công trình kết cấu hạ tầng lớn có ý nghĩa liên vùng, liên tỉnh được triển khai xây dựng như: sân bay, bến cảng, các tuyến cao tốc, các cây cầu lớn, hạ tầng công nghệ thông tin, hồ đập thủy lợi...
Mạng lưới đô thị tăng nhanh về số lượng, mở rộng về quy mô, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Đến nay, cả nước có 830 đô thị, bao gồm: 2 đô thị loại đặc biệt, 19 đô thị loại I, 29 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 80 đô thị loại IV, 655 đô thị loại V. Các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP.HCM đóng vai trò là các cực tăng trưởng chủ đạo, lan toả tri thức, đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế, đa dạng hoá các hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, việc thực hiện nhóm nhiệm vụ hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu lại ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế chưa hiệu quả. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng và quy hoạch ngành chưa quan tâm thỏa đáng đến chức năng vùng gắn với điều kiện của mỗi vùng và với tổng thể quốc gia. Hiệu quả của liên kết vùng, thế mạnh của các vùng kinh tế trọng điểm chưa được phát huy….
PGS.TS Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng, nhìn lại giai đoạn 10 năm qua, khía cạnh cơ cấu lại các vùng, không gian phát triển kinh tế chưa thực sự được chú ý nhiều. Trong chính sách cơ cấu lại nền kinh tế, tư duy cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực vẫn chưa đi liền và có sự lồng ghép chặt chẽ với tư duy cơ cấu lại không gian phát triển. Tiến độ xây dựng quy hoạch phát triển quốc gia, các vùng và các địa phương theo tinh thần Luật Quy hoạch 2017 còn chậm…
Giải pháp nào?
Định hướng cơ cấu không gian kinh tế thời gian tới, tại Tờ trình Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhấn mạnh mục tiêu cơ cấu lại không gian kinh tế hợp lý, mở rộng không gian phát triển, thúc đẩy liên kết vùng, đô thị - nông thôn nhằm tận dụng lợi thế theo quy mô, khai thác thế mạnh của các vùng, gia tăng lợi ích lan tỏa; nâng cao vai trò đổi mới sáng tạo của các trung tâm, đô thị lớn; phát huy vai trò dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, đây là lần đầu tiên trong quan điểm về cơ cấu lại nền kinh tế trình bày một cách rất rõ ràng về nội dung cơ cấu lại không gian kinh tế. Điều này đã thể hiện được đúng tinh thần Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và đáp ứng yêu cầu của việc xây dựng các quy hoạch phát triển theo tinh thần Luật Quy hoạch 2017. Lý do là, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực mà thiếu đi yếu tố định vị không gian phát triển và tầm nhìn chung từ nhãn quan lợi ích tổng thể quốc gia để bố trí sự phát triển các ngành, lĩnh vực trên các địa bàn nhất định dễ dẫn đến kiểu định hướng chung chung, mang nặng tính khẩu hiệu.
Nhất trí với đề xuất của Chính phủ, thẩm tra Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 tại Phiên họp thứ 4, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần thiết chú trọng mở rộng không gian phát triển kinh tế đô thị theo vùng, phát huy lợi thế kết nối đa chiều. Thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù, xây dựng các mô hình mới để tạo đột phá trong phát triển kinh tế đô thị, gia tăng tính lan tỏa trong phát triển.
Để hiện thực hóa mục tiêu cơ cấu lại không gian kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2025, tại Kế hoạch, 8 nhóm giải pháp đã được Bộ KH&ĐT đề xuất như: Sớm ban hành và thực hiện nghiêm quy hoạch quốc gia, các quy hoạch vùng, quy hoạch các địa phương; sơ kết mô hình Khu kinh tế thí điểm Vân Đồn (Quảng Ninh) để đề xuất mô hình phù hợp; hoàn thiện thể chế liên kết vùng, kiện toàn bộ máy tổ chức điều phối vùng và tăng cường cơ chế liên kết vùng…
Ông Thắng nhấn mạnh, để việc cơ cấu lại không gian kinh tế giai đoạn tới đáp ứng yêu cầu, Kế hoạch nên tập trung giám sát thật nghiêm việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chính sách đặc thù đã ban hành; chương trình phục hồi kinh tế trong đại dịch cần có những giải pháp được tiếp cận cụ thể từ góc độ không gian phát triển thiết thực hơn…