Nâng khống chi phí thi công để trục lợi
Năm 2012, Công ty CP Cơ khí và Lắp máy điện nước Comael ký 3 hợp đồng với Công ty Misuboshi để lắp đặt hệ thống điện, thay thế sửa chữa mái và tường nhà xưởng, xây dựng văn phòng điều hành, nhà xưởng với tổng giá trị hợp đồng khoảng 2 tỷ đồng. Công ty Comael đã giao cho Xí nghiệp Đúc thực hiện thi công các hạng mục theo hợp đồng nói trên. Sau khi Xí nghiệp Đúc thi công xong 3 hạng mục công trình thì các bên đã nghiệm thu, bàn giao, thanh toán theo hình thức đối trừ công nợ với Comael số tiền hơn 900 triệu đồng.
Tiếp đó, Công ty Comael đã tiến hành bàn giao, ký biên bản nghiệm thu, bảng giá trị hoàn thành lắp đặt hệ thống điện cung cấp cho nhà xưởng, giá trị thay thế sửa chữa mái và tường nhà xưởng, giá trị xây dựng văn phòng điều hành, nhà xưởng... Tổng giá trị Misuboshi đã thanh toán cho Công ty Comael là hơn 2,2 tỷ đồng. Cả 3 hạng mục công trình đều đi vào hoạt động và không phát sinh sửa chữa, thay thế gì.
Vấn đề là chi phí thực tế thi công 3 hạng mục công trình nói trên thấp hơn rất nhiều so với phương án kinh doanh được phê duyệt và giá trị hợp đồng ký với Misuboshi. Chính vì vậy, nhóm lãnh đạo Công ty Comael đã tìm cách nâng khống chi phí thi công để trục lợi khoản tiền này. Đáng nói là 3 hợp đồng với Misuboshi do Tổng giám đốc Ngô Thế V. ký nhưng sau đó Chủ tịch HĐQT Comael là Vũ Đức Nghị đã ký quyết định miễn nhiệm ông Ngô Thế V. và bổ nhiệm chính mình làm Tổng giám đốc.
Với hai tư cách vừa là Chủ tịch HĐQT, vừa kiêm Tổng giám đốc, Vũ Đức Nghị đã triệu tập Hội nghị Ban lãnh đạo và các trưởng ban ngành Công ty để nghe báo cáo về các công trình đang thi công. Khi biết chi phí thi công thực tế công trình với Misuboshi thấp hơn so với phương án kinh doanh được phê duyệt, Vũ Đức Nghị đã tính phương án để số lợi nhuận này không về Công ty.
Vũ Đức Nghị đã chỉ đạo Kế toán trưởng Phạm Thị Huệ làm chứng từ thanh toán về việc thi công cẩu, vận chuyển và lắp đặt công trình cấp điện nhà xưởng; cung cấp nhân công lắp đặt, vận chuyển công trình xây dựng nhà văn phòng; cung cấp nhân công cải tạo mái tôn để giảm bớt lợi nhuận của Comael. Thực hiện chỉ đạo này, Phạm Thị Huệ đã liên hệ với Phạm Thị Nga để trao đổi thống nhất ký hợp thức các hợp đồng kinh tế, biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng khống và mua bán hóa đơn VAT. Chi phí mua hóa đơn là 25% trên tổng giá trị.
Cáo buộc tội tham ô tài sản
Nhận được hợp đồng, chứng từ, Vũ Đức Nghị đã chỉ đạo Phạm Thị Huệ tiếp tục hoàn thiện thủ tục để quyết toán. Phạm Thị Huệ ký nháy vào 2 hợp đồng giữa Công ty Comael và Công ty Hà Thành còn Vũ Xuân Tăng (sinh năm 1983, kỹ sư điện) ký nháy vào hợp đồng với Công ty An Khánh. Theo chỉ đạo của Vũ Đức Nghị, Phòng Kế toán viết ủy nhiệm chi số tiền 213 triệu đồng chuyển cho Công ty An Khánh; 354,5 triệu đồng cho Công ty Hà Thành.
Theo đúng thỏa thuận thì Phạm Thị Nga sẽ rút số tiền này và giữ lại 25%, phần còn lại sẽ chuyển cho Phạm Thị Huệ để Huệ chuyển cho Vũ Đức Nghị. Nhưng theo lời khai của Huệ thì Nga chưa đưa tiền cho Huệ. Sau này Nga bị bệnh mất nên Huệ cũng chưa nhận được số tiền nói trên.
Đến cuối năm 2013, Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) có Đoàn kiểm tra tại Comael. Để hợp thức việc thanh quyết toán của 3 hợp đồng nói trên, Vũ Đức Nghị, Phạm Thị Huệ và Vũ Xuân Tăng tiếp tục làm các tài liệu khống gồm hợp đồng giao khoán, các đề xuất, giấy đề nghị, bảng đề xuất chi phí... Khi đó, Vũ Xuân Tăng đang ở Lào, Phạm Thị Huệ đã nhờ người mang sang Lào đưa cho Tăng để Tăng ký hợp thức rồi bổ sung vào hồ sơ quyết toán.
Cơ quan công tố cáo buộc hành vi của các bị can phạm vào tội tham ô tài sản. Bị can Vũ Đức Nghị đã lợi dụng chức vụ, trực tiếp chỉ đạo cấp dưới lập hợp đồng khống rút 568 triệu đồng. Phạm Thị Huệ trực tiếp mua hóa đơn, cung cấp các số liệu lập các hợp đồng khống. Vũ Xuân Tăng trực tiếp ký nháy vào các hợp đồng, tài liệu giúp Nghị và Huệ rút tiền.