Kế thừa năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu sau khi sáp nhập

(BĐT) - Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (Điều 18 Khoản 1 và Khoản 3) quy định, HSDT của nhà thầu phải bao gồm các tài liệu chứng minh năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu, đồng thời việc đánh giá HSDT bao gồm bước đánh giá về năng lực và kinh nghiệm.
Kế thừa năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu sau khi sáp nhập

Hỏi: Nhà máy in C trước đây là đơn vị hạch toán phụ thuộc Tập đoàn B. Khi đó, Tập đoàn B tham gia đấu thầu và nếu trúng thầu thì giao một số gói thầu cho Nhà máy in C thực hiện. Do cơ cấu lại Tập đoàn B, Nhà máy in đã được tách ra thành một pháp nhân độc lập, sau đó tiếp tục được điều chuyển nguyên trạng, sáp nhập về Nhà thầu A. Trong trường hợp này, khi chuẩn bị hồ sơ dự thầu (HSDT) tham gia đấu thầu, Nhà thầu A có được kế thừa năng lực, kinh nghiệm của Nhà máy in C khi còn trực thuộc Tập đoàn B không? 

Trả lời: Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (Điều 18 Khoản 1 và Khoản 3) quy định, HSDT của nhà thầu phải bao gồm các tài liệu chứng minh năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu, đồng thời việc đánh giá HSDT bao gồm bước đánh giá về năng lực và kinh nghiệm.

Liên quan đến việc tách, sáp nhập pháp nhân, có thể tìm hiểu quy định tại Điều 89 và Điều 91 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, sau khi tách, pháp nhân bị tách và pháp nhân được tách thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự của mình phù hợp với mục đích hoạt động. Sau khi sáp nhập, pháp nhân được sáp nhập chấm dứt tồn tại; quyền và nghĩa vụ dân sự của pháp nhân được sáp nhập được chuyển giao cho pháp nhân sáp nhập. Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp, việc tách, sáp nhập được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 (Điều 193 và Điều 195).

Đối với trường hợp nêu trên, Nhà máy in C trước đây trực thuộc Tập đoàn B và đã được Tập đoàn B giao thực hiện một số hợp đồng in mà Tập đoàn trúng thầu. Vì vậy, sau khi tách ra thành pháp nhân độc lập thì Nhà máy in C được hiểu là có kinh nghiệm thực hiện các hợp đồng mà trên thực tế nhà máy này đã thực hiện khi còn trực thuộc Tập đoàn B. Tiếp đó, khi Nhà máy được sáp nhập vào Nhà thầu A thì năng lực, kinh nghiệm của Nhà thầu A được hiểu là bao gồm năng lực, kinh nghiệm của Nhà máy in C trước khi được sáp nhập. Tóm lại, khi Nhà máy in C có năng lực, kinh nghiệm thực hiện hợp đồng thì năng lực, kinh nghiệm thực hiện hợp đồng này sẽ được tính vào năng lực, kinh nghiệm của Nhà thầu A sau khi Nhà máy in C được sáp nhập vào nhà thầu này.

Tin cùng chuyên mục