Diễn đàn Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ y tế trong chăm sóc sức khỏe thu hút hơn 200 đại biểu tham dự |
Đây là một trong những hoạt động của Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam (từ ngày 28/10 - 01/11/2023). Diễn đàn thu hút hơn 200 đại biểu đến từ các bệnh viện, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học hàng đầu Việt Nam và thế giới về y khoa.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, điều này thể hiện sự quan tâm và đồng hành của các bên trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tạo động lực mới cho phát triển y tế Việt Nam, điển hình là số hóa y tế, chăm sóc sức khỏe thông qua công nghệ và chuyên môn, cũng như cải thiện chăm sóc sức khỏe qua các giải pháp AI, Big Data...
Đại dịch Covid-19 - cú hích mạnh mẽ để đổi mới công nghệ y tế
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, y tế là một trong những ngành được ưu tiên chuyển đổi số hàng đầu trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bộ Y tế cũng nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là chú trọng triển khai các sáng kiến, hình thành kho dữ liệu và xây dựng các hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành; xây dựng và phát triển các nền tảng số y tế; đảm bảo hạ tầng và an toàn thông tin để cung cấp trải nghiệm mới hoàn toàn khác trong lĩnh vực y tế, thông qua đó mang lại giá trị cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại Diễn đàn |
Trong Chương trình Chuyển đổi số y tế quốc gia của Việt Nam, 4 trụ cột phát triển gồm: chuyển đổi số trong phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe; chuyển đổi số trong khám chữa bệnh; chuyển đổi số trong quản trị y tế; tăng cường tổ chức hội thảo chuyên đề quốc tế trực tuyến.
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, đại dịch Covid-19 đã tạo ra “bước nhảy” vượt trội cho chuyển đổi số lĩnh vực y tế. Nhờ khả năng ứng phó, chống chịu linh hoạt và vững vàng, hệ thống y tế Việt Nam đã tạo nên thành công khiến cả thế giới ngưỡng mộ. Các ứng dụng công nghệ đã được triển khai nhanh chóng và phủ sóng rộng rãi tới người dân toàn quốc như khai báo y tế NCOVI, PC COVID; truy vết nguồn lây Bluezone, khám chữa bệnh qua Internet... Những nền tảng số này hỗ trợ đội ngũ y tế sàng lọc người bệnh và tư vấn khám chữa bệnh từ xa, bên cạnh đó nâng cao nhận thức của người dân đối với diễn biến của dịch bệnh.
“Đại dịch Covid-19 đã phần nào khiến chúng ta nhìn rõ hơn tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế đối với sứ mệnh chăm sóc sức khỏe toàn dân, cũng như phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Nhìn lại lịch sử, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, phần lớn sự tiến bộ trong y tế đã được thúc đẩy bởi sự đổi mới sáng tạo trong từng hoạt động hàng ngày của đội ngũ y, bác sĩ và các nhà khoa học liên quan trong điều trị, dự phòng, nghiên cứu, thực hành… Đặc biệt, Covid-19 đã làm cho đổi mới y tế trở nên phổ biến hơn, liên quan đến nhiều tác nhân hơn bao giờ hết như: giám sát bộ gen, chia sẻ dữ liệu cho SAR-CoV-2, vắc xin mRNA, y tế từ xa, hệ thống quản lý lâm sàng…
“Đổi mới sáng tạo trong y tế đề cập đến việc phát triển và áp dụng các ý tưởng công nghệ, quy trình và giải pháp mới cải thiện chất lượng và thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học trong y học. Sự đổi mới sẽ giải quyết những thách thức và nhu cầu ngày càng tăng của hoạt động chăm sóc sức khỏe, diễn ra trong tất cả các khâu từ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng bệnh tật, khám chữa bệnh, sản xuất thuốc, vắc xin, sinh phẩm và thiết bị y tế”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Năm khía cạnh tiên phong trong đổi mới sáng tạo lĩnh vực y tế
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, hiện nay có 5 khía cạnh tiên phong trong đổi mới sáng tạo lĩnh vực y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trình bày về 5 khía cạnh tiên phong trong đổi mới sáng tạo lĩnh vực y tế |
Thứ nhất là đổi mới công nghệ. Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong đổi mới chăm sóc sức khỏe, bao gồm việc phát triển các thiết bị y tế mới, thiết bị chẩn đoán, các giải pháp y tế từ xa, hồ sơ sức khỏe điện tử, hệ thống thông tin y tế.
Thứ hai là ứng dụng kỹ thuật số. Việc tích hợp các công nghệ kỹ thuật số trong thiết bị y tế giúp theo dõi sức khỏe liên tục, từ xa, tiếp nhận kịp thời thông tin tư vấn y tế.
Thứ ba là dự đoán xu hướng dịch bệnh qua phân tích dữ liệu lớn. Phân tích dữ liệu và công nghệ dữ liệu lớn đang được sử dụng trong trích xuất thông tin, giúp dự đoán sự bùng phát dịch bệnh và xu hướng biến đổi của cơ cấu bệnh tật trong cộng đồng.
Thứ tư là công nghệ sinh học. Đổi mới công nghệ sinh học liên quan đến việc điều khiển các quá trình sinh học để phát triển các phương pháp, kỹ thuật mới trong điều trị, các liệu pháp tiên tiến như liệu pháp gen, tế bào gốc, y học tái tạo.
Thứ năm là y học từ xa (telehealth). Những đổi mới về y học từ xa đã mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cho phép tư vấn từ xa với các nhà cung cấp dịch vụ cho vùng sâu, vùng xa, hải đảo, y tế cơ sở và trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh. Mục tiêu của Bộ Y tế trong thời gian tới là tiếp tục hoàn thiện các giải pháp kỹ thuật, nghiên cứu, ban hành các chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho y tế từ xa, đặc biệt là triển khai các nền tảng số y tế, trong đó có nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Vtelehealth).
Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế đòi hỏi sự phối hợp giữa các chuyên gia y khoa, các nhà công nghệ, hoạch định chính sách, nhà đầu tư để mang lại thay đổi tích cực trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.
“Diễn đàn sẽ giới thiệu và kết nối tiềm năng đổi mới sáng tạo lĩnh vực y tế giữa các tổ chức, đơn vị trong nước cũng như với các nhà phát triển công nghệ, nhà đầu tư quốc tế nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành y tế Việt Nam trong thời gian tới”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn kỳ vọng.
Tại Diễn đàn, đại diện các bệnh viện, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học hàng đầu Việt Nam và thế giới về y khoa đã chia sẻ những mô hình đổi mới sáng tạo hiện nay. Chẳng hạn, mô hình Telehealth trong khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, mô hình Trung tâm hỗ trợ dự án và đổi mới sáng tạo của Đại học Y Dược TP.HCM, việc phát triển các công nghệ về thiết bị cầm tay trong hồi sức tích cực bệnh truyền nhiễm của Đại học Oxford - OUCRU, ứng dụng AI trong y học cá nhân hóa loãng xương của Viện Nghiên cứu Tâm Anh; ứng dụng công nghệ 3D trong điều trị cá thể hóa của hệ thống y khoa Vinmec…
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ mô hình Telehealth được triển khai từ năm 2020 đến nay |
Theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, định hướng phát triển và ứng dụng công nghệ y tế trong các chuyên ngành với sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ giữa các chuyên gia y tế và chuyên gia trí tuệ nhân tạo là ưu tiên khai thác các hình ảnh y tế, ứng dụng AI, áp dụng máy học trong phân tích, xử lý hình ảnh y tế (hình ảnh nội soi tiêu hóa, hình ảnh X-quang phổi, chụp vú, cộng hưởng từ gan, điện tim, điện não), phát hiện và khoanh vùng tổn thương… nhằm đưa ra mô hình AI hỗ trợ cho sàng lọc, chẩn đoán và đào tạo chuyên ngành cho các tuyến. Từ đó, tiến tới hỗ trợ cho điều trị và tiên lượng bệnh.
“Trước bối cảnh đó, Diễn đàn là nơi thảo luận, đưa ra giải pháp về các xu hướng, các nghiên cứu tiên tiến cũng như những ứng dụng khoa học đang được áp dụng để nâng tầm hệ thống chăm sóc sức khỏe. Từ đó, tạo động lực phát triển, kết nối, mở rộng tiềm năng hợp tác vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn trong tương lai. Nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, xây dựng hệ sinh thái y tế phong phú, củng cố năng lực, nhân lực y tế cũng như quan hệ đối tác, định hướng giải pháp giúp Việt Nam xây dựng được lĩnh vực y tế năng động, sáng tạo, có khả năng chống chịu nhằm giải quyết các thách thức y tế tương lai”, Thứ trưởng Trần Duy Đông kỳ vọng.