Tổng doanh thu hợp nhất năm 2015 của BSR đạt 94.400 tỷ đồng, lợi nhuận nhất sau thuế năm 2015 đạt 5.690 tỷ đồng. |
Bộ Công Thương vừa có công văn “hồi đáp” Công ty TNHH MTV Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) sau khi đơn vị này đề nghị cho xuất khẩu sản phẩm xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Tại công văn này, Bộ Công Thương cho biết, sản phẩm của Lọc dầu Dung Quất đã được đưa vào cân đối cung cầu xăng dầu hàng năm và về nguyên tắc cần được ưu tiên cho thị trường nội địa nhằm góp phần giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nước ngoài, tiết kiệm ngoại tệ, góp phần kiềm chế nhập siêu.
“Do vậy, Bộ Công Thương đề nghị BSR tiếp tục đàm phán với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu để bán tối đa sản phẩm xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất để tiêu thụ, pha chế trong nước”, công văn nêu rõ.
Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài chính trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến cơ chế tài chính, chính sách thuế để tạo thuận lợi và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, tạo điều kiện cho việc tiêu thụ tối đa sản phẩm của nhà máy tại thị trường nội địa.
“Trong trường hợp tình hình tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa khó khăn, tồn kho sản phẩm có nguy cơ vượt ngưỡng an toàn, ảnh hưởng đến hiệu quả và an toàn vận hành của nhà máy thì mới xem xét đến phương án xuất khẩu. Việc xuất khẩu sẽ được thực hiện theo Nghị định 83 và công ty phải có giải trình cụ thể về kế hoạch sản xuất, nhập khẩu nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm xăng dầu để Bộ Công Thương xem xét”, công văn nêu rõ.
Tại Việt Nam, hiện Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang có công suất khoảng 150.000 thùng/ngày, và chỉ đáp ứng được 30 - 40% nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Lọc dầu Dung Quất liên tục “kêu” khó tiêu thụ sản phẩm do bị tính thuế nhập khẩu cao nên giá thành cao hơn so với sản phẩm nhập khẩu.
Liên quan đến cơ chế tài chính “giải cứu” cho Dung Quất, mới đây, Bộ Tài chính cho biết đã có công văn xin ý kiến các bộ, ngành và UBND tỉnh Quảng Ngãi về dự thảo quyết định của Thủ tướng nhằm sửa đổi, bổ sung quyết định số 952 về cơ chế tài chính cho Công ty TNHH Lọc hoá dầu Bình Sơn.
Theo Bộ Tài chính, việc sửa đổi sẽ theo hướng ngân sách chỉ thu điều tiết đối với mặt hàng xăng ở mức 10% (so với mức tương đương thuế nhập khẩu 20% hiện nay). Khi phương án sửa đổi cơ chế được Thủ tướng phê duyệt thì Lọc hoá dầu Bình Sơn được tự quyết định giá bán sản phẩm để cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu.
Năm ngoái, mặc dù “kêu cứu” vì khó khăn song Bình Sơn vẫn báo cáo sản xuất kinh doanh khá khả quan khi đạt tổng doanh thu hợp nhất là 94.400 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch năm, lợi nhuận nhất sau thuế năm 2015 đạt 5.690 tỷ đồng, vượt 52% kế hoạch.