Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa mong muốn được hỗ trợ theo hướng tập trung vào chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu thị trường; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao… Ảnh: Tường Lâm |
Để hoạt động hiệu quả hơn, nhất là đáp ứng yêu cầu hỗ trợ DNNVV trong bối cảnh mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa đề xuất xây dựng một nghị định thay thế Nghị định 39.
Chưa được như kỳ vọng
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, ở cấp trung ương, nhiều văn bản hướng dẫn Nghị định được xây dựng và ban hành như: Thông tư 05/2019/TT-BKHĐT hướng dẫn hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV; Thông tư 06/2019/TT-BKHĐT hướng dẫn quy chế tổ chức và hoạt động mạng lưới tư vấn viên, hỗ trợ tư vấn cho DNNVV thông qua mạng lưới tư vấn viên; Thông tư 49/2019/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV… Ở cấp địa phương, tính đến hết tháng 7/2020, toàn quốc đã có 55/63 địa phương ban hành các kế hoạch, chương trình, đề án hỗ trợ DNNVV. Qua đánh giá, các kế hoạch, chương trình, đề án hỗ trợ DNNVV của địa phương rất phong phú, đa dạng…
Tuy nhiên, tại Hội thảo tham vấn Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 39 vừa diễn ra, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, quá trình triển khai Nghị định 39 còn nhiều hạn chế và chưa thực sự hiệu quả như kỳ vọng của cộng đồng DNNVV.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Hiệu, chuyên gia tư vấn về DN cho biết, hệ thống văn bản hướng dẫn còn chậm được ban hành khiến một số nội dung được quy định tại Nghị định 39 chưa được triển khai trong thực tế.
Về xây dựng các đề án hỗ trợ DNNVV, đến nay chưa có bộ, ngành nào xây dựng Đề án hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị dù đã qua hơn 2 năm thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV và đã có các văn bản hướng dẫn thi hành.
Bên cạnh đó, một số quy định hỗ trợ tại Nghị định 39 chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích DNNVV, một số nội dung hỗ trợ trọng tâm chưa xác định định mức hỗ trợ gây khó khăn cho địa phương triển khai. Theo ông Hiệu, mức hỗ trợ DNNVV sử dụng dịch vụ tư vấn như quy định tại Khoản 3 Điều 13 Nghị định 39 còn thấp, chưa tiệm cận được với mức giá tư vấn trên thị trường.
Ngoài ra, nội dung hỗ trợ cho DNNVV do phụ nữ làm chủ chưa được quy định cụ thể tại Nghị định dẫn tới các DNNVV do phụ nữ làm chủ chưa nhận được các hỗ trợ đặc thù; hạn chế trong việc bố trí nguồn lực để triển khai…
Khắc phục theo hướng nào?
Để tăng tính hiệu lực triển khai hỗ trợ DNNVV trên thực tế, trong đó khắc phục những hạn chế, bất cập hiện hành nêu trên tại Nghị định 39, Bộ KH&ĐT đề xuất xây dựng một nghị định thay thế, thay vì dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung.
Dự thảo nghị định thay thế gồm 6 chương và 31 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới nội dung hỗ trợ, định mức hỗ trợ, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan từ Trung ương tới địa phương tại Nghị định 39.
Cụ thể, Điều 12 Dự thảo Nghị định cụ thể hoá một số nội dung hỗ trợ DN liên quan đến lĩnh vực công nghệ như: hỗ trợ chi phí hợp đồng tư vấn lựa chọn công nghệ phù hợp với DN; hỗ trợ chi phí hợp đồng chuyển giao công nghệ có xuất xứ của Việt Nam; hỗ trợ về khai thác và phát triển tài sản trí tuệ và hỗ trợ sử dụng các nền tảng số để tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ...
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về hỗ trợ tư vấn như: bổ sung quy định về thời hạn cơ quan chủ trì hỗ trợ DNNVV có ý kiến thẩm định và phản hồi cho DN về việc DN đủ hay chưa đủ điều kiện nhận hỗ trợ tiếp cận mạng lưới tư vấn viên; điều chỉnh quy định về tỷ lệ và giá trị hợp đồng tư vấn DNNVV được hỗ trợ thông qua mạng lưới tư vấn viên…
Để nghị định thay thế Nghị định 39 đi vào cuộc sống hiệu quả, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam đề nghị, Nghị định nên đi vào trọng tâm ưu tiên hỗ trợ DNNVV giai đoạn tới theo hướng tập trung vào chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu thị trường; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...
Ông Lê Xuân Hòa, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam đề xuất thay đổi cách thức hỗ trợ cho DNNVV. Chẳng hạn như về chuyển đổi số, thay vì hỗ trợ từng DN theo tính chất ưu tiên thì Nhà nước có thể tập trung nguồn lực để cho các DN công nghệ xây dựng các nền tảng quản trị DN và cho DNNVV dùng miễn phí. “Cách này một lúc đạt được nhiều mục tiêu, vừa phát triển được các DN công nghệ mũi nhọn quốc gia vừa giúp các DN nâng cao quản trị DN”, ông Hòa gợi ý.