Bên cạnh mục tiêu đồng bộ các quy định về đầu tư, kinh doanh, mục tiêu lớn của lần sửa đổi Luật Đầu tư này là nâng cao chất lượng dòng vốn FDI (ảnh: Internet) |
Chồng chéo, thiếu rõ ràng
Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, sau khoảng 4 năm thi hành, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã đi vào cuộc sống, khẳng định tinh thần sáng tạo, thúc đẩy sự tham gia thị trường của các doanh nghiệp. Môi trường đầu tư của nước ta đã có những chuyển biến thuận lợi, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 3 năm gần đây tăng khoảng 65 - 70%, đạt mức cao nhất 20 năm qua. Các quy định của 2 luật tạo cơ sở pháp lý, động lực thực hiện các cải cách quan trọng khác như: điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, chuyển trọng tâm quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm...
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Thứ trưởng, quá trình thực thi các luật này vẫn còn tồn tại, xuất hiện một số yếu tố cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa. Trong đó có tồn tại xung đột, chồng chéo giữa Luật Đầu tư với các luật khác như: Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai…
Làm rõ sự chồng chéo, thiếu rõ ràng trong pháp luật về đầu tư, kinh doanh hiện nay, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra 20 ví dụ điển hình. Chẳng hạn như chồng chéo, thiếu rõ ràng trong quy định về thủ tục đầu tư, Luật Nhà ở quy định đối với dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư thì phải thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Chính phủ. Theo đó, bất kỳ dự án xây dựng nhà ở nào cũng phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi triển khai dự án. Trong khi đó, Luật Đầu tư quy định một số dự án đầu tư không phải thực hiện bất kỳ thủ tục nào liên quan đến chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi triển khai dự án (dự án không thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án có vốn đầu tư nước ngoài dưới 51%).
Thêm nữa, Luật Nhà ở tại Điều 171.2 yêu cầu thêm các loại tài liệu ngoài các tài liệu quy định tại Luật Đầu tư trong hồ sơ để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Nhưng Luật Đầu tư tại Điều 33 quy định các tài liệu trong hồ sơ dự án đầu tư để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, và không có quy định về việc các văn bản pháp luật khác được quyền yêu cầu thêm tài liệu trong hồ sơ này…
Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, việc chồng chéo luật sẽ dẫn đến nhiều hệ quả, khiến doanh nghiệp và nhà đầu tư phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp; đi lại mất thời gian, nộp nhiều hồ sơ; chi phí giao dịch tốn kém; tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra; đình trệ hoạt động; rủi ro nguy cơ vi phạm pháp luật…
Tránh tình trạng chồng chéo, trong quá trình xây dựng luật, Ban soạn thảo xây dựng Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đã có các cuộc làm việc liên thông với các ban soạn thảo sửa đổi các luật khác như: Luật Xây dựng (sửa đổi); Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi)…
Bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư
Theo ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư, được các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm. Các biện pháp bảo đảm đầu tư là những biện pháp được quy định nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư trong suốt quá trình đầu tư. Đây cũng chính là cam kết về trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền lợi cụ thể của nhà đầu tư.
"Điều khoản về bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật đã được quy định tại Điều 13 của Luật Đầu tư. Tuy nhiên, quy định này mới chỉ dừng lại ở sự thay đổi văn bản pháp luật về ưu đãi đầu tư; trong khi nhà đầu tư đòi hỏi nhiều hơn thế, bao gồm: bảo đảm quyền sở hữu tài sản, bảo đảm chuyển tài sản và lợi nhuận hợp pháp của nhà đầu tư ra nước ngoài, bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật, bảo đảm đầu tư đối với hoạt động đầu tư kinh doanh", ông Nguyễn Mại nói. Theo ông Mại, Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này cần có hẳn 1 chương về bảo đảm đầu tư để quy định đầy đủ các nội dung liên quan đến quyền lợi nhà đầu tư.
Đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Mại, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khẳng định: "Bảo đảm đầu tư hết sức quan trọng nếu chúng ta muốn thu hút nguồn vốn chất lượng vào Việt Nam”. Theo ông Toàn, các nhà đầu tư từ Liên minh châu Âu và Mỹ đánh giá khá cao môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Song, họ cũng còn một số quan ngại như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tính minh bạch, sự thay đổi thường xuyên của hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư, đặc biệt là luật hóa các nội dung bảo đảm đầu tư để nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn xuyên quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn có thể yên tâm đầu tư, làm ăn lâu dài tại Việt Nam.
Trước những băn khoăn về bảo đảm đầu tư, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) lại nhìn nhận: “Quy định về bảo đảm đầu tư hiện nay không có vấn đề gì lớn về biện pháp bảo đảm mà áp lực hiện nay chính là việc thi hành pháp luật”.
Bên cạnh các nội dung trên, tại Hội thảo, các ý kiến góp ý 2 dự án luật cũng tập trung vào một số vấn đề khác như: Sửa khái niệm doanh nghiệp nhà nước để nâng cao quản trị trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); cấm hay không cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ trong Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi)...