Việc điều chỉnh các quy định về thực hiện công bố thông tin sẽ góp phần tăng tính minh bạch, công khai trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Lê Tiên |
Theo Bộ KH&ĐT, sau gần 5 năm thực hiện Nghị định số 81/2015/NĐ-CP, việc CBTT của DNNN đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Một số DNNN thực hiện CBTT còn mang tính hình thức, thời gian thực hiện CBTT còn chậm so với quy định. Nghị định số 81/2015/NĐ-CP chưa có quy định cụ thể về việc CBTT qua mạng điện tử của DN…
Hơn nữa, Luật DN năm 2020 đã điều chỉnh quy định khái niệm DNNN bao gồm: DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Như vậy, đối tượng phải thực hiện các quy định về DNNN sẽ khác so với các quy định hiện hành tại Luật DN năm 2014. Chưa kể, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái bình dương (CPTPP) cũng quy định cụ thể về minh bạch hoá trong hoạt động của DNNN theo thông lệ quốc tế.
Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, việc rà soát, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 81/2015/NĐ-CP là cần thiết nhằm điều chỉnh các quy định giúp DN thực hiện CBTT thuận lợi; góp phần tăng tính minh bạch, công khai trong hoạt động của các DNNN; hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về DNNN…
Dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 20 Điều và 7 Phụ lục về mẫu biểu báo cáo và dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021.