Ông Nguyễn Bích Lâm |
Sau khi Chủ tịch nước ký Lệnh công bố Luật số 89/2015/QH13 (Luật Thống kê) ngày 4/12/2015, trước thềm Hội nghị công bố Luật Thống kê được Tổng cục Thống kê tổ chức hôm nay (ngày 18/12) tại Hà Nội, Báo Đấu thầu đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm để tìm hiểu rõ hơn về những quy định mới trong luật này.
Trước khi tiến hành soạn thảo Luật Thống kê 2015, nhiều bất cập trong công tác thống kê chưa được Luật Thống kê 2003 quy định đã được chỉ ra như một trong những định hướng sửa đổi quan trọng. Những bất cập đó đã được khắc phục như thế nào trong Luật Thống kê năm 2015, thưa ông?
Luật Thống kê 2015 được ban hành đã đổi mới cả kết cấu và nội dung cùng với kỹ thuật lập pháp phù hợp nhằm giải quyết những bất cập của Luật Thống kê 2003.
Sau 12 năm thực hiện Luật Thống kê 2003, có một số bất cập đã được chỉ ra. Cụ thể, trong thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, bên cạnh đối tượng là người làm công tác thống kê phục vụ cho công tác quản lý nhà nước (thống kê nhà nước) đã xuất hiện đối tượng là các tổ chức, cơ sở, cá nhân làm công tác thống kê với giác độ phục vụ cho các tổ chức, cá nhân và các tổ chức khác (thống kê ngoài thống kê nhà nước). Từ thực tiễn đó, Ban soạn thảo đã thay đổi phạm vi điều chỉnh cho cả những đối tượng này và đưa vào trong Luật Thống kê 2015.
Bất cập thứ hai cần giải quyết là nhu cầu ngày càng cao đối với công tác phân tích, hoạch định và điều hành chính sách. Khi đó, công tác thống kê khi cung cấp con số là phải giải thích được tại sao có con số đó, nguyên nhân tăng giảm như thế nào, yếu tố tác động ra sao, xu hướng như thế nào… Trong Luật Thống kê 2015, bổ sung quy định về phân tích và dự báo thống kê.
Bất cập thứ ba cần phải giải quyết chính là bất cập trong nội tại ngành thống kê. Luật 2015 phải yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động thống kê trong tiến trình hội nhập quốc tế. Điều này đòi hỏi người làm công tác thống kê cần ứng dụng phương pháp luận thống kê mới và công nghệ thông tin trong hoạt động thống kê; đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trong hoạt động thống kê.
Ngoài ra, trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia trong Luật Thống kê 2015 đã được quy định bao gồm 186 chỉ tiêu. Sắp tới ngành thống kê cũng phải rà soát lại khái niệm, phạm vi, nguồn thông tin, phương pháp tính của 186 chỉ tiêu này.
Sự chêch lệch về số liệu thống kê sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn đến việc hoạch định ngân sách, chính sách của nền kinh tế mỗi quốc gia. Vậy Luật Thống kê 2015 đã làm gì để khắc phục chênh lệch số liệu thống kê giữa các cơ quan?
Quá trình thẩm định phương án điều tra, chế độ báo cáo, thẩm định các chỉ tiêu thống kê quốc gia trước khi công bố sẽ khắc phục sự chênh lệch số liệu giữa Trung ương và địa phương, giữa Tổng cục Thống kê với các bộ, ngành. Chẳng hạn, đối với chỉ tiêu GDP, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đổi mới quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP).
Thưa ông, Luật Thống kê 2015 sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 1/7/2016. Tổng cục Thống kê đã xây dựng lộ trình soạn thảo các dự thảo nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật như thế nào?
Tổng cục Thống kê đã xác định có 8 nghị định cần ban hành, đã xác định tên cụ thể của từng nghị định này. Hiện Tổng cục Thống kê đã giao cho các đơn vị chuyên môn liên quan dự thảo các nghị định, phấn đấu hoàn thành trong năm 2016. Riêng Nghị định liên quan đến sửa đổi chế độ báo cáo dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2018.