Khai mạc Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019

(BĐT) - Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF) lần thứ hai năm 2019 với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và hành động” vừa chính thức khai mạc sáng nay (19/9) tại Hà Nội. Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì, phối hợp với các đối tác phát triển tổ chức. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng và Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione đồng chủ trì Diễn đàn.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc VRDF 2019. Ảnh: Lê Tiên
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc VRDF 2019. Ảnh: Lê Tiên

VRDF 2019 có sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia, học giả hàng đầu trong nước và trên thế giới.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, VRDF 2019 là sự tiếp nối và kế thừa các Diễn đàn trước đây và đó là vì sao Chủ đề và nội dung của VRDF 2019 được lựa chọn mang tính bao trùm hơn, bao gồm cả các vấn đề về cải cách thể chế kinh tế thị trường, đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và ưu tiên và hành động vì một Việt Nam thịnh vượng.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc VRDF 2019. Ảnh: Lê Tiên

Thông qua Diễn đàn, các chuyên gia, học giả hàng đầu thế giới và trong nước về cải cách và phát triển sẽ thảo luận cởi mở, thẳng thắn về những vấn đề đổi mới, cải cách và phát triển của đất nước phù hợp với tư tưởng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phát triển bền vững, thông qua các giải pháp ngắn hạn và dài hạn, các hành động cụ thể.

Đặc biệt, theo Bộ KH&ĐT, chủ đề của VRDF 2019 do các thành viên thường trực của Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII "đặt hàng" trực tiếp. Đây là những vấn đề mà Tổ biên tập muốn thảo luận sâu hơn, tham vấn rộng rãi các tổ chức, chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế trước khi đưa vào Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030. Vì thế, các hàm ý, khuyến nghị chính sách từ VRDF sẽ được tiếp thu, nghiên cứu, tạo đầu vào thông tin cho việc xây dựng nội dung Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2025.

Với quy mô rộng hơn, nâng tầm Diễn đàn trở thành Diễn đàn quốc tế, Việt Nam cũng mong muốn chia sẻ kinh nghiệm phát triển của mình với các nước cùng trình độ hoặc phát triển kém hơn. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, với các thành tựu được thế giới ghi nhận, Việt Nam không chỉ ở vị thế học hỏi mà Việt Nam hiện ở vị thế chia sẻ kinh nghiệm phát triển. Đó là sự đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam với thế giới, từ câu chuyện làm như thế nào để phát triển bao trùm, cân bằng và hài hoà, mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận ngang nhau, được hưởng những thành quả cho phát triển.

Diễn đàn diễn ra trong cả ngày 19/9. Trong buổi sáng, 2 phiên thảo luận chuyên đề sẽ hướng vào những vấn đề trọng tâm, cốt lõi để thực hiện mục tiêu thịnh vượng.

Phiên 1 có chủ đề Hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập. Phiên thảo luận do TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fullbright TP.HCM, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiệm kỳ 2016 – 2021 điều hành.

Phiên 2 có chủ đề Đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, do GS.TS Dương Nguyên Vũ, Giảng viên Trường Kỹ thuật cơ khí và hàng không vũ trụ, Giám đốc Viện Nghiên cứu quản lý không lưu, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore điều hành.

Phiên toàn thể: Hành động vì một Việt Nam thịnh vượng diễn ra trong buổi chiều, do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam đồng điều hành. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và có phát biểu chỉ đạo tại Phiên toàn thể.

Tin cùng chuyên mục