![]() |
Gỗ và các sản phẩm gỗ là mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao |
Doanh nghiệp nội còn bỏ ngỏ cơ hội từ các FTA
Chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2025 diễn ra mới đây, ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến năm 2025, Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán 20 FTA, với 16 FTA đang thực thi, trong đó có các FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… Các FTA này đã mở ra thị trường rộng lớn với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 90% GDP toàn cầu.
Kết quả thực thi FTA trong 3 năm gần đây cho thấy, Việt Nam liên tục nằm trong Top 20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt khoảng 12,5% mỗi năm. Năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mốc 786 tỷ USD, trong đó xuất khẩu vượt 405 tỷ USD, thặng dư thương mại gần 25 tỷ USD, ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp. Nhờ đó, Việt Nam đứng thứ 17/20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới theo Báo cáo của Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2024.
Trong kết quả trên, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đã ký FTA như EU, Canada, và các nước thành viên CPTPP đều ghi nhận tăng trưởng tích cực. Ví dụ, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU năm 2024 đạt 52,1 tỷ USD, tăng 19,3% so với năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu sang Canada đạt khoảng 7,5 tỷ USD, tăng 22,7% so với năm 2023.
'‘Các FTA không chỉ giúp đa dạng hóa thị trường, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống, mà còn tạo điều kiện thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao từ các đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore..., tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu’', ông Trịnh Minh Anh nhấn mạnh.
Về ý kiến cho rằng, khai thác tốt ưu đãi từ các FTA chủ yếu vẫn là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, khả năng tận dụng của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, ông Trịnh Minh Anh cho rằng, có thể do doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu thông tin và hiểu biết về quy tắc xuất xứ, thủ tục ưu đãi thuế quan. Bên cạnh đó, khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường, lao động, tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành còn thấp…
Theo rà soát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu với các mặt hàng chủ lực như gỗ và các sản phẩm gỗ, điện tử, dệt may, da giày, thủy sản, máy móc, thiết bị… Trong đó, nhiều ngành có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ trên 40%, thậm chí vượt 50%, như ngành gỗ, dệt may, thiết bị điện tử… Điều này cho thấy, nếu bị áp mức thuế đối ứng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị tổn thương nặng nề, mất thị phần, giảm sức cạnh tranh, gián đoạn sản xuất, mất việc làm, ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP và ổn định kinh tế vĩ mô.
Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ, cứ làm ra 10 cái ghế thì gần 6 cái xuất sang Mỹ. Nếu áp mức thuế đối ứng, ngành gỗ Việt Nam có thể phải chịu áp lực kép. Bởi trước đó, Bộ Thương mại Mỹ đã khởi xướng cuộc điều tra nhằm áp thuế (thường ở mức 25%) hoặc áp đặt hạn ngạch nhập khẩu với các mặt hàng bị cho là đe dọa an ninh quốc gia theo điều khoản 232 trong Đạo luật Mở rộng thương mại năm 1962.
“Mỹ áp thuế 10% với các sản phẩm gỗ Việt Nam thì kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm khoảng 30% ngay trong năm nay. Chỉ cần vài cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp… của Mỹ, lập tức các doanh nghiệp gỗ đều không có sức chống chọi, có thể mất thanh khoản. Điều này cho thấy tính tự cường, năng lực tự đàn hồi của nhiều ngành hàng xuất khẩu lớn rất yếu kém”, ông Hoài nhận diện.
Thực tế, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thương mại toàn cầu trong những năm gần đây có xu hướng biến động liên tục. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra cảnh báo về khả năng tăng thuế đối ứng với Việt Nam từ nhiệm kỳ trước, nhưng đến nay, các doanh nghiệp gần như chưa có thay đổi gì lớn.
Tìm cơ hội trong nghịch cảnh
Ông Trịnh Minh Anh cho rằng, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức và hiểu biết về các FTA, tăng cường liên kết với nhà cung cấp trong nước hoặc khu vực FTA để tăng tỷ lệ nguyên liệu nội khối, đảm bảo sản phẩm đáp ứng quy tắc xuất xứ hưởng ưu đãi thuế quan. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua cải thiện chất lượng sản phẩm như: đầu tư vào công nghệ, đổi mới mẫu mã, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường (như tiêu chuẩn xanh của thị trường EU); tham gia các hiệp hội ngành hàng; phối hợp với các hiệp hội để nắm bắt thông tin thị trường, giải quyết khó khăn (như chi phí vận chuyển, rào cản kỹ thuật) và các vụ tranh chấp quốc tế; ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Khi được hỏi những doanh nghiệp nào nhìn thấy cơ hội từ sự thay đổi về chính sách thuế của Mỹ, trong hơn 300 đại biểu tham dự Hội thảo Thuế đối ứng của Mỹ và ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam diễn ra ngày 18/4 tại Hà Nội chỉ có duy nhất 1 cánh tay giơ lên. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang hết sức lo lắng và nhận thấy thách thức nhiều hơn cơ hội.
Để thích nghi với bối cảnh mới, biến nguy thành cơ, đại diện VCCI cho rằng, từng doanh nghiệp, ngành hàng cần theo dõi sát động thái, phối hợp với đoàn đàm phán của Chính phủ, chủ động đàm phán với nhà nhập khẩu, tranh thủ xuất hàng trong thời gian tạm hoãn thuế. Từng bước điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng thông qua việc tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới để mở rộng thị trường tại EU, Canada, Australia…, đồng thời khai thác các thị trường tiềm năng như Tây Nam Trung Quốc, Trung Đông, Mỹ Latinh, và phát triển thị trường nội địa.
Theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI, hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp cần bình tĩnh, phân tích, đánh giá kỹ tác động trong từng doanh nghiệp, ngành hàng để có đề xuất kịp thời với Chính phủ.
“Bên cạnh những thách thức về thuế quan, thì đây là cơ hội vàng mà Việt Nam cần chủ động nắm bắt. Doanh nghiệp cần tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng chiến lược của Mỹ, đầu tư vào các trung tâm kỹ thuật bán dẫn, công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo… để trở thành mắt xích đáng tin cậy trong chuỗi giá trị toàn cầu”, đại diện VCCI nhận định.
Trong giai đoạn tạm hoãn thuế, TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, Việt Nam cần thực hiện “'3 không”, gồm: không bàn lùi, không chủ quan nhưng cũng không bi quan, vì còn nhiều dư địa, cơ hội trước mắt. Cụ thể, Việt Nam có một số cơ hội nhất định trong việc mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác khi họ tìm nguồn thay thế. Việt Nam cũng có thể có cơ hội từ xu hướng dịch chuyển đầu tư, chuỗi cung ứng. Song, để tận dụng được cơ hội này, doanh nghiệp phải đa dạng hóa, không chỉ thị trường, mà cả đối tác, sản phẩm, dịch vụ và nguồn vốn, củng cố nội lực và đáp ứng các tiêu chuẩn mới.