Phía bắc TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) có nhiều dự án đào lên rồi bỏ đó, không triển khai |
Gần 30 dự án chậm tiến độ
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - cho biết, UBND tỉnh vừa tiến hành rà soát 82 dự án có nguy cơ sạt lở đất, đá và đưa ra biện pháp xử lý đối với những dự án này.
“Sau khi rà soát 82 dự án, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chia số dự án này làm 3 nhóm. Nhóm 1 là dự án không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, chưa cấp giấy phép hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư thì chúng tôi thu hồi. Nhóm 2 là dự án đã có giấy chứng nhận đầu tư, mà chậm tiến độ thì UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy xin giãn tiến độ. Nhóm cuối cùng dự án tuy chưa phù hợp quy hoạch, nhưng theo nhiệm vụ quy hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt, xét trong một điều kiện có thể chấp nhận được, UBND tỉnh sẽ bổ sung theo hướng tăng đất ở đô thị và đất sản xuất, kinh doanh thương mại”.
Theo HĐND tỉnh Khánh Hòa, qua giám sát về việc triển khai 29/82 dự án đầu tư ngoài ngân sách chậm tiến độ ở khu vực phía bắc TP.Nha Trang, 29 dự án đều có vi phạm. 29 dự án chậm tiến độ trong phạm vi giám sát lần này đã được Thường trực HĐND tỉnh tiến hành giám sát việc triển khai thực hiện các dự án ngoài ngân sách trên địa bàn TP.Nha Trang vào năm 2014. Tại báo cáo kết quả giám sát, Thường trực HĐND tỉnh đã nhận định, đây là các dự án chậm tiến độ và có kiến nghị giải pháp xử lý. Qua theo dõi việc giải quyết các kiến nghị sau giám sát, đến nay, 29 dự án này vẫn chưa có tiến triển gì tích cực.
Trong số đó, 10 dự án có thông báo ngừng, tạm ngừng hoạt động. Qua phân tích tình hình triển khai thực hiện từng dự án, HĐND tỉnh nhận thấy hầu hết dự án chưa triển khai thi công hoặc chỉ mới triển khai thực hiện một số hạng mục công trình. Các vướng mắc và nguyên nhân dẫn đến việc chậm tiến độ của dự án diễn ra ở hầu hết từng khâu trong thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư ngoài ngân sách.
Đề nghị tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm
Theo HĐND tỉnh Khánh Hòa, có rất nhiều dự án sau 3 năm đã giao đất cho các nhà đầu tư nhưng chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất. Thế nhưng, tỉnh không thực hiện đúng quy định của Luật Đất đai về việc “phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố công khai việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi đất đó”.
Nhiều dự án vi phạm, chậm tiến độ thành “dự án treo” kéo dài 10 năm đến 12-13 năm nhưng không bị xử lý. Hậu quả, việc giải quyết quyền lợi của người dân trong thực hiện bồi thường, giải tỏa, tái định cư chậm, chưa hài hòa. Một số gia đình tại khu vực dự án không được xây dựng, sửa chữa nhà cửa do dự án treo kéo dài nhiều năm; gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng mỹ quan đô thị; lãng phí tài nguyên đất đai; dẫn đến bức xúc trong nhân dân, gia tăng khiếu nại, khiếu kiện thời gian qua.
HĐND tỉnh Khánh Hòa nhận thấy, cơ quan có thẩm quyền đã không thực hiện nghiêm túc các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật. Việc thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai tại các dự án chưa nghiêm.
Việc theo dõi tiến độ sử dụng đất (đối với 15 dự án đã giao đất và cho thuê đất) còn buông lỏng, xử lý vi phạm pháp luật về đất đai, đặc biệt là quy định về hành vi sử dụng đất chậm tiến độ; được giao đất để thực hiện dự án đầu tư nhưng không đưa đất vào sử dụng (điểm i, khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai năm 2013) đã không được thực hiện thường xuyên, kiên quyết gây tâm lý coi thường pháp luật dẫn đến việc sử dụng đất dự án kéo dài, gây lãng phí tài nguyên đất đai.
Theo HĐND tỉnh Khánh Hòa, hầu hết dự án được giám sát đều có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật là phải chấm dứt dự án, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và thu hồi đất đã cho thuê. Một số dự án, cơ quan nhà nước đã ra quyết định xử phạt, chủ đầu tư nộp tiền phạt xong rồi vẫn tiếp tục vi phạm mà không có biện pháp kiên quyết xử lý tiếp theo.
Ông Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa - đề nghị UBND tỉnh xử phạt nghiêm tất cả hành vi vi phạm về đầu tư và đất đai của chủ đầu tư, kiên quyết chấm dứt dự án, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các chủ đầu tư đã có vi phạm tiến độ kéo dài và những dự án không phù hợp với quy hoạch. Các dự án ngừng, tạm ngừng, giãn tiến độ, gia hạn thời gian đầu tư... cần phải thực hiện theo đúng thời hạn của Luật Đầu tư năm 2014 (từ ngày 1/1/2021 theo Luật Đầu tư năm 2020).
Ông Thân cũng đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và UBND cấp huyện trong việc quản lý Nhà nước về đầu tư nói chung trên địa bàn tỉnh.