Khi doanh nhân “xắn tay” lo việc nước

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Lịch sử Việt Nam hiện đại đã chứng minh, bất kỳ thời điểm nào đất nước gặp khó khăn, tầng lớp doanh nhân dân tộc lập tức có mặt. Với khát khao cống hiến, phụng sự Tổ quốc, họ lặng thầm sẻ chia gánh nặng với Chính phủ, nhân dân, trở thành một lực lượng quan trọng giúp dân tộc bước qua những thời khắc đầy gian nan, thử thách.
Thế hệ doanh nhân Việt Nam hôm nay không ngừng sáng tạo, làm giàu chính đáng cho gia đình, dân tộc, có trách nhiệm với cộng đồng. Ảnh: Phú An
Thế hệ doanh nhân Việt Nam hôm nay không ngừng sáng tạo, làm giàu chính đáng cho gia đình, dân tộc, có trách nhiệm với cộng đồng. Ảnh: Phú An

Doanh nhân Việt tỏa sáng chữ “Tâm”

Những ngày tháng 9/2021, một thông tin làm quặn thắt trái tim hàng chục triệu người Việt Nam đó là đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 1.500 trẻ em ở TP. Hồ Chí Minh lâm vào cảnh mồ côi, nhiều em mất cả cha lẫn mẹ. Lễ khai giảng năm học mới 2021 - 2022 ở Trường THPT Lê Hồng Phong là lễ tưởng niệm các công dân của Thành phố mất vì đại dịch, trong đó có nhiều phụ huynh học sinh. Rồi hình ảnh cậu bé mười tuổi nhận bình tro cốt mẹ trong căn nhà chật chội, nghèo nàn khi bình tro cốt người cha vẫn đang gửi tạm đâu đó thực sự đã lấy nước mắt của hàng triệu người Việt. Liệu có phép màu nào đến với bao cảnh đời phút chốc đối mặt với tận cùng đau thương và một tương lai bất định như thế?

Bởi vậy, thông tin ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT công bố FPT sẽ lập trường nhận nuôi dạy 1.000 em nhỏ mồ côi trong đại dịch như một làn gió mát lành giữa nắng hè bức bối, tiếp thêm sinh lực cho hàng trăm ngàn bệnh nhân, hàng triệu người dân trên dải đất hình chữ S đang gồng mình đối phó với đại dịch. "FPT mong muốn tạo ra một môi trường để các em được học tập, rèn luyện, giúp đỡ các em trưởng thành, biến đau thương thành sức mạnh, trở thành người có ích cho xã hội và chinh phục những đỉnh cao”, lời chia sẻ giản dị của vị doanh nhân nổi tiếng, Chủ tịch của tập đoàn là “con sếu đầu đàn” trong lĩnh vực công nghệ thông tin suốt 30 năm qua đã được dư luận đánh giá cao.

Việc làm của ông Trương Gia Bình và Tập đoàn FPT là một trong hàng ngàn tấm lòng của doanh nhân Việt Nam đã và đang giúp đất nước, nhân dân đối phó hiệu quả với đại dịch. Khi chủng Delta khiến đại dịch bùng phát tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, nhiều doanh nhân Việt đã chủ động vào cuộc, quyết liệt san sẻ gánh nặng chống dịch với chính quyền các cấp. Đầu tháng 8/2021, thông tin Tập đoàn Vingroup ký kết với một doanh nghiệp Mỹ nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vắc xin phòng Covid-19 với năng lực sản xuất lên tới 200 triệu liều/năm thực là một tin vui lớn.

Theo công bố của lãnh đạo Tập đoàn, Vingroup sẽ cung cấp vắc xin phòng Covid-19 cho Việt Nam với giá chỉ gồm chi phí sản xuất, không bao gồm lợi nhuận suốt thời gian chống dịch, dự kiến sẽ có sản phẩm từ đầu năm 2022. Điều này thể hiện vai trò, hành động kịp thời, hiệu quả của doanh nhân Phạm Nhật Vượng và các cộng sự, vì mục tiêu cao nhất là sức khỏe và tính mạng của hàng triệu đồng bào. Đây là việc làm tiếp nối hàng vạn hoạt động thiện nguyện của Vingroup lâu nay, mà chỉ riêng Quỹ Vắc xin phòng chống Covid-19, Tập đoàn đã ủng hộ số tiền lên đến 480 tỷ đồng.

Giữa muôn vàn gian khó của đất nước, chữ tâm của giới doanh nhân Việt đã kịp thời tỏa sáng, chứng minh họ xứng đáng là tầng lớp tinh hoa của đất nước trong thế kỷ XXI. Trong những ngày dịch bệnh nóng bỏng, Tập đoàn Geleximco và ABBank của doanh nhân Vũ Văn Tiền tặng 500 máy thở oxy dòng cao với tổng trị giá 25 tỷ đồng cho TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương. Trước đó, Geleximco và ABBank đã ủng hộ Quỹ Vắc xin phòng chống Covid-19 số tiền 20 tỷ đồng. Ngân hàng VPBank cũng kịp thời hỗ trợ 1.000 máy thở oxy dòng cao cho “tâm dịch” phía Nam…

Danh sách doanh nhân, doanh nghiệp ủng hộ với số tiền lớn ngày càng dài, tiêu biểu phải kể đến: Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành của doanh nhân Lê Văn Thành ủng hộ số tiền lên tới 500 tỷ đồng; Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường (Ninh Bình) của doanh nhân Xuân Trường ủng hộ 100 tỷ đồng; Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va của doanh nhân Bùi Thành Nhơn ủng hộ 100 tỷ đồng; Tập đoàn Masan của doanh nhân Nguyễn Đăng Quang ủng hộ 60 tỷ đồng; Tập đoàn Hòa Phát của doanh nhân Trần Đình Long ủng hộ 50 tỷ đồng; Tập đoàn Hưng Thịnh của doanh nhân Nguyễn Đình Trung ủng hộ 50 tỷ đồng…

Nghiên cứu sản xuất vaccine ngừa Covid-19 tại Công ty Công nghệ sinh học dược Nanogen

Nghiên cứu sản xuất vaccine ngừa Covid-19 tại Công ty Công nghệ sinh học dược Nanogen

Khi lòng yêu nước không có giới hạn

Hành động chia sẻ gánh nặng chống dịch với Chính phủ của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua khiến nhiều người nhắc nhớ đến sự kiện “Tuần lễ Vàng” cách đây 76 năm, khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa được thành lập.

Trước một nền kinh tế nô lệ phong kiến nửa thực dân kiệt quệ, vừa trải qua nạn đói cướp đi sinh mệnh của trên 2 triệu đồng bào, ngân khố quốc gia trống rỗng, chính quyền nhân dân non trẻ cùng lúc phải đương đầu với “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Trong thời khắc nguy nan đó, Hồ Chủ tịch và Chính phủ đã rất sáng suốt khi lựa chọn lòng yêu nước của người Việt Nam là điểm tựa của chính quyền nhân dân. Chỉ hai ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập ở Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 4/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động “Tuần lễ Vàng”, kêu gọi lòng ái quốc của quốc dân đồng bào, đặc biệt là giới công thương Việt Nam ủng hộ nền độc lập.

Giữa muôn vàn gian khó của đất nước, chữ tâm của giới doanh nhân Việt đã kịp thời tỏa sáng, chứng minh họ xứng đáng là tầng lớp tinh hoa của đất nước trong thế kỷ XXI.

Tin tưởng rằng, sự đóng góp, chia sẻ gánh nặng với Chính phủ và nhân dân trong đại dịch Covid-19 của tầng lớp doanh nhân, doanh nghiệp sẽ thắp lên ngọn lửa niềm tin, đưa đất nước sớm trở lại nhịp độ tăng trưởng cao.

Câu chuyện gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ nhiều lần ủng hộ Cách mạng số tiền và tài sản lên đến 5.114 lạng vàng đã đi vào huyền thoại về tấm lòng yêu nước của những doanh nhân dân tộc đầu thế kỷ XX. Cũng trong “Tuần lễ Vàng”, gia đình nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện đã ủng hộ 100 lạng vàng, tiếp đó ủng hộ "Quỹ Độc lập" 10 vạn đồng Đông Dương (trị giá 4 kg vàng). Vợ chồng nhà tư sản Đỗ Đình Thiện còn bỏ ra 1 triệu đồng Đông Dương mua bức tranh của họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh rồi sau đó tặng lại cho TP. Hà Nội.

Những việc làm ấy đã góp phần đánh thức tấm lòng vì dân, vì nước trong tầng lớp công thương Việt Nam. Trong “Tuần lễ Vàng”, tại Hà Nội, gia đình nhà tư sản Nguyễn Hữu Nhâm, chủ hiệu vải Tam Kỳ đã ủng hộ Cách mạng 300 lạng vàng; gia đình bà Vương Thị Lai, chủ hiệu buôn Lợi Quyền ủng hộ 109 lạng vàng. Tại Hải Phòng, vợ chồng nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà và con gái đã hiến tặng toàn bộ số nữ trang (vàng bạc, đá quý) lên tới 10,5 kg, bà Nguyễn Thị Năm ủng hộ 100 lạng vàng… Kết thúc “Tuần lễ Vàng”, ngân khố quốc gia đã thu được trên 370 kg vàng và 20 triệu đồng Đông Dương, tương đương với tổng số thuế thân và thuế điền thu được trên toàn quốc trong một năm dưới thời Pháp thuộc.

Ngày nay, lật giở những trang sử lưu tại Câu lạc bộ Những nhà công thương Việt Nam về giai đoạn cam go của đất nước, khi chính quyền nhân dân như “ngàn cân treo sợi tóc”, không ít người vẫn cảm thấy rưng rưng khi đọc những dòng viết về vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ: “Một đêm đã khuya, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đến gõ cửa nhà 48 Hàng Ngang nói với bà Hồ: “Bác cần ít vàng để mua lại kho súng của quân Nhật bàn giao cho quân Tàu Tưởng ở Chèm. Chị giúp Bác”. “Độ bao nhiêu lạng?” “Vài chục”. Bà Hồ mở tủ, lấy 50 lạng, gói vào giấy báo trao cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng và nói: “Anh thưa với Bác, nếu cần, Bác cứ cho gọi”.

“Mùa đông năm 1945, trước tình hình thiếu thốn quân nhu, bà Hồ đã may 20 vạn bộ quân phục và áo trấn thủ gửi các lực lượng quân đội. Đầu năm 1946, bà Hồ đi vận động vốn để thành lập “Việt Nam Công thương Ngân hàng”, hứa sẽ chung vốn một triệu đồng, “xin” Trưởng ban Kinh tế của Đảng là đồng chí Nguyễn Lương Bằng “đóng” làm hai đợt…”.

Xin không cần nói thêm bất cứ từ nào về lòng yêu nước không giới hạn của những doanh nhân Việt từ cách đây 76 năm, đang được giới doanh nhân hôm nay tô thắm bằng muôn vàn hành động và nghĩa cử trong công cuộc chống dịch Covid-19.

Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay lại nhớ thời khắc cách đây 76 năm. Không phải ngẫu nhiên khi giữa trăm công ngàn việc của chính quyền Cách mạng non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại dành thời gian gặp gỡ giới doanh nhân. Ngày 13/10/1945, trong lá thư gửi giới công thương, Người khẳng định: “Việc nước việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng... Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết này”.

Thực hiện tư tưởng của Bác Hồ, ngày nay, Đảng và Nhà nước đang làm tất cả để giới doanh nhân trưởng thành, lớn mạnh, là trụ cột xây dựng đất nước hùng cường. Và kế thừa truyền thống yêu nước, thương nòi của giới doanh nhân lớp trước, hàng vạn doanh nhân Việt Nam hôm nay đang không ngừng sáng tạo, làm giàu chính đáng cho gia đình, cho dân tộc, có trách nhiệm với cộng đồng, xứng đáng là lực lượng tiên phong đưa Việt Nam vào kỷ nguyên hùng cường của thế kỷ XXI. Tin tưởng rằng, sự đóng góp, chia sẻ gánh nặng với Chính phủ và nhân dân trong đại dịch Covid-19 của tầng lớp doanh nhân, doanh nghiệp sẽ thắp lên ngọn lửa niềm tin, đưa đất nước sớm trở lại nhịp độ tăng trưởng cao, xứng đáng với niềm tin và lời nhắn gửi của Hồ Chủ tịch 76 năm trước.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục