Khi nhà báo “lên” mạng xã hội

(BĐT) - Tại Việt Nam, mạng xã hội (đặc biệt là Facebook) không còn xa lạ với các nhà báo. Theo một thống kê, 60% tin bài của các báo điện tử được bạn đọc tiếp cận thông qua mạng xã hội này. 
Báo chí truyền thông truyền thống và không gian dư luận đang đứng trước những thay đổi “kinh hoàng” với sự xuất hiện của truyền thông xã hội. Ảnh: Thanh Lâm
Báo chí truyền thông truyền thống và không gian dư luận đang đứng trước những thay đổi “kinh hoàng” với sự xuất hiện của truyền thông xã hội. Ảnh: Thanh Lâm

Tuy nhiên, nhà báo khi tham gia trên truyền thông xã hội, cùng với những kỹ năng nghề mà họ được trang bị, sẽ khẳng định vai trò của mình qua sự chuyên nghiệp trong việc thông tin một cách chính xác, khách quan và có trách nhiệm.

Mạng xã hội thay đổi thói quen người đọc

Trong hơn một thập kỷ gần đây, sự phát triển nhảy vọt về công nghệ cùng cuộc cách mạng số hóa đã làm thay đổi căn bản hệ sinh thái truyền thông. Sự ra đời của các mạng xã hội, các phần mềm “chat”, tin nhắn, các công nghệ chia sẻ audio, video trực tuyến, thực tại ảo (VR – virtual reality) cùng với vô số các ứng dụng thông minh khác đã làm thay đổi quá trình trao đổi và kiểm soát thông tin trong xã hội. Báo chí truyền thông truyền thống và không gian dư luận đang đứng trước những thay đổi “kinh hoàng” với sự xuất hiện của loại hình truyền thông mới - truyền thông xã hội (Social media).

Truyền thông xã hội là một trong những cách thức truyền thông mới được các nhà báo, học giả trong và ngoài nước đề cập khá nhiều trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, truyền thông xã hội là gì, hiện tại vẫn chưa hình thành được nhận thức chung, song từ “xã hội” được coi là khái niệm then chốt. “Nhân vật” chủ chốt của truyền thông xã hội là những người dùng (user) mạng xã hội để giao tiếp, chia sẻ và tiếp nhận thông tin, do đó truyền thông xã hội không chỉ là nơi để các “user” giao lưu mà còn có thể sản xuất nội dung (user generated content – UGC). Qua đó có thể thấy, truyền thông xã hội dựa trên nền tảng là các dịch vụ trực tuyến, các tin tức có thể chia sẻ giữa hai hoặc nhiều cá nhân và được lan truyền một cách chóng mặt. Xét từ phương diện nội dung, bản chất của truyền thông xã hội là mối liên hệ cá nhân mang tính bình đẳng trong quá trình kết nối và truyền tải tin tức. Đây là sự khác biệt rõ nét giữa truyền thông xã hội với các phương tiện truyền thông truyền thống - nơi các cơ quan truyền thông chuyên nghiệp giữ vai trò là hạt nhân kết nối truyền thông và đưa tin.

Truyền thông xã hội với những tính năng vượt trội trong việc lan tỏa thông tin đã làm thay đổi căn bản quy trình trao đổi và xuất bản thông tin. Trước đây, một người thường thụ động tiếp nhận thông tin từ một vài nguồn tin, trong đó việc tiếp nhận thông tin từ truyền thông chính thống là chủ yếu. Thì nay, với sự xuất hiện của truyền thông xã hội, bất cứ ai cũng có thể trở thành nguồn phát tin và chủ động tiếp nhận thông tin theo “gu” của mình qua truyền thông liên cá nhân và truyền thông tập thể (truyền thông nhóm). Quá trình tiếp nhận thông tin đã thay đổi căn bản, dẫn đến việc kiểm soát thông tin dường như nằm ngoài khả năng của chúng ta.

Lên mạng xã hội, nhà báo cần giữ cái đầu “lạnh”

Có thể thấy, vai trò cung cấp thông tin đã không còn là đặc quyền riêng các cơ quan báo chí, truyền thông truyền thống nữa mà thay vào đó là vai trò đơn lẻ của mỗi nguồn tin trên truyền thông xã hội, nơi cung cấp thông tin nhanh nhất và trực tiếp nhất đến với công chúng.
Có thể thấy, vai trò cung cấp thông tin đã không còn là đặc quyền riêng các cơ quan báo chí, truyền thông truyền thống nữa mà thay vào đó là vai trò đơn lẻ của mỗi nguồn tin trên truyền thông xã hội, nơi cung cấp thông tin nhanh nhất và trực tiếp nhất đến với công chúng. Trước đây, nhà báo đóng vai trò (gián tiếp) cung cấp thông tin cho công chúng thông qua các tác phẩm báo chí truyền thông (các tác phẩm báo chí được đăng tải, phát sóng qua các phương tiện truyền thông đại chúng). Hiện nay, với sự xuất hiện của truyền thông xã hội thì nhà báo khi tham gia thông tin trên truyền thông xã hội sẽ trực tiếp cung cấp thông tin tới công chúng. Vai trò (kiểm soát) cung cấp thông tin cho công chúng của các cơ quan báo chí truyền thông đang dần bị thay thế bởi vai trò của cá nhân mỗi nhà báo.

Với sự xuất hiện của Internet và truyền thông xã hội, việc cung cấp thông tin đã không còn là việc làm đặc thù của nhà báo. Khái niệm “nhà báo công dân” xuất hiện cùng với sự phát triển và ra đời của Internet và truyền thông xã hội. Tuy nhiên, nhà báo khi tham gia thông tin trên truyền thông xã hội, cùng với những kỹ năng nghề mà họ được trang bị, rèn luyện, trau dồi qua quá trình hoạt động báo chí sẽ khẳng định vai trò của mình qua sự chuyên nghiệp trong việc thông tin một cách chính xác, khách quan và có trách nhiệm.

Sự chuyên nghiệp trong thông tin và trách nhiệm là hai yếu tố tạo nên sự khác biệt của nhà báo trong quá trình tham gia thông tin trên truyền thông xã hội. Hai yếu tố này có mối quan hệ biện chứng không tách rời nhau. Người bình thường khi tham gia thông tin trên truyền thông xã hội không yêu cầu sự chuyên nghiệp khi đưa thông tin như nhà báo (kiểm chứng, xác minh, đánh giá…) nhưng vẫn chịu sự điều chỉnh của luật pháp. Trái lại, một nhà báo chuyên nghiệp với đầy đủ kỹ năng, nghiệp vụ báo chí được đào tạo và luôn trau dồi nâng cao nghiệp vụ cần đề cao trách nhiệm khi tham gia thông tin trên truyền thông xã hội.

Trách nhiệm của nhà báo khi tham gia thông tin trên truyền thông xã hội chính là trách nhiệm công dân, trách nhiệm nghề nghiệp (đạo đức nghề nghiệp), là trách nhiệm của nhà báo với cộng đồng. Khi tham gia truyền thông xã hội, mỗi “user” đều có khả năng cung cấp, tiếp nhận và phản hồi hay chia sẻ thông tin. Do đó, đối với mỗi nhà báo, khi tham gia cần phải kiểm chứng, xác minh và đánh giá tác động của thông tin trước khi trở thành nguồn phát hoặc chia sẻ thông tin đó.