Có nhà thầu nộp HSDT rất sơ sài, không có bảo lãnh dự thầu, nhưng liên tục gửi đơn kiến nghị rồi không đến giải quyết kiến nghị. Ảnh: Tiên Giang |
Tất cả các biểu hiện này đều cho thấy hai khả năng: Thứ nhất, sự vô trách nhiệm của nhà thầu đã tự đánh mất cơ hội làm rõ nghi ngại của mình; Thứ hai, nhà thầu tham dự thầu với động cơ không trong sáng.
Không thèm đến làm rõ HSDT
Trao đổi với Báo Đấu thầu, một bên mời thầu (BMT) đang lựa chọn nhà thầu một gói thầu tại TP.HCM cho biết, hiện gặp nhiều khó khăn khi đề nghị nhà thầu làm rõ HSDT. “Gói thầu triển khai tại TP.HCM, nhà thầu đến từ Bạc Liêu. Hợp đồng tương tự mà nhà thầu cung cấp cũng từ địa phương khác. Để đảm bảo độ xác thực của hợp đồng, chúng tôi có yêu cầu nhà thầu cung cấp những tài liệu cần thiết có liên quan. Tuy nhiên, nhà thầu không đến, cũng không trả lời lý do tại sao không đến”, BMT chia sẻ. Do sự bất hợp tác của nhà thầu nên BMT phải gửi văn bản đề nghị xác nhận của chủ đầu tư gói thầu mà nhà thầu cung cấp hợp đồng tương tự. “Chính sự bất hợp tác này của nhà thầu trong việc làm rõ HSDT đã khiến công tác đánh giá HSDT, lựa chọn nhà thầu của chúng tôi mất thêm nhiều thời gian không chính đáng”, BMT cho biết.
Một số BMT khác cũng chia sẻ rằng, tình trạng nhà thầu bất hợp tác như trên không phải là cá biệt, mà diễn ra khá thường xuyên, dễ bắt gặp trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Có không ít nhà thầu thường chậm trễ, thiếu thiện chí, thậm chí hoàn toàn bất hợp tác trong việc cung cấp các tài liệu để chứng minh năng lực đã kê khai trong HSDT. “Trừ những trường hợp các yêu cầu của BMT là cố tình gây khó dễ trong việc “bắt chẹt” nhà thầu về thời gian,, số lượng tài liệu đề nghị cung cấp rất lớn trong việc làm rõ HSDT, còn lại đa số BMT hiện nay vẫn thường xuyên phải yêu cầu làm rõ HSDT để đảm bảo việc lựa chọn nhà thầu thực sự khách quan, chọn được nhà thầu đủ năng lực. Tuy vậy, không ít nhà thầu đã né tránh trách nhiệm làm rõ”, một BMT tại Tây Ninh nhận định.
Một chủ đầu tư tại Bình Dương cảm thán: “Không ít trường hợp nhà thầu không dám đến làm rõ HSDT vì tài liệu cung cấp phần nào đã kê vống, giả… nên không dám đến để đối chứng”.
Kiện nhưng để các bên ngồi… chờ
Một gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế lớn tại Kiên Giang vừa công bố danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và bước vào vòng đánh giá tài chính. Trong thời gian này, UBND tỉnh Kiên Giang, chủ đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Kiên Giang cùng nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu về kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật (HSĐXKT) gói thầu này.
Thực hiện đúng chức năng, Sở KH&ĐT tỉnh Kiên Giang đã có văn bản gửi các bên liên quan để giải quyết kiến nghị của nhà thầu. Văn bản công bố việc giải quyết kiến nghị của Sở được phát hành ngày 13/3/2019, đề nghị các đơn vị liên quan (Chủ đầu tư, Nhà thầu kiến nghị, Bên mời thầu, Tổ giám sát và theo dõi hoạt động đấu thầu các gói thầu thiết bị y tế) chuẩn bị đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung kiến nghị để làm việc vào ngày 18/3/2019. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, quá thời gian quy định, mặc dù Sở đã phải đợi thêm một tiếng đồng hồ nhưng Nhà thầu kiến nghị vẫn… bặt vô âm tín. Điều đáng nói, lật lại hồ sơ gói thầu bị kiến nghị này, biên bản mở HSĐXKT ghi nhận, chính Nhà thầu kiến nghị tuy nộp HSDT nhưng lại không nộp bảo lãnh dự thầu cũng như không có thông tin về thời gian thực hiện hợp đồng. Nhà thầu này không có thông tin về hiệu lực của HSDT, không có thông tin về hồ sơ đề xuất tài chính.
Một nhà thầu dự thầu “tay bo” lại liên tục có kiến nghị từ thời điểm mở thầu cho đến lúc có kết quả đánh giá HSĐXKT nhưng vẫn được các cơ quan tại Kiên Giang kiên trì xử lý đã là sự cầu thị cần thiết. Tuy nhiên, đến mức buộc Sở KH&ĐT phải chờ đợi để xử lý kiến nghị mà không đến thì không loại trừ khả năng nhà thầu kiến nghị với động cơ không trong sáng.
Tham gia đấu thầu là quyền và cơ hội bình đẳng cho mọi nhà thầu mà Luật Đấu thầu hướng tới. Tuy nhiên, đã tham gia cuộc đấu này, các nhà thầu cần tuân thủ đúng luật chơi. Và quan trọng nhất, nhà thầu phải dám làm, dám chịu trách nhiệm, tránh lợi dụng kiến nghị đấu thầu, từ chối cơ hội làm rõ, từ chối giải quyết kiến nghị… để biến cuộc thầu thành những cuộc đấu rối ren.