Giá vật liệu tăng cao khiến các nhà thầu xây dựng gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Tường Lâm |
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, giá thép xây dựng trong nước tăng cao do ảnh hưởng của việc tăng giá nguyên liệu trên thế giới. Theo đó, thép xây dựng tại thị trường trong nước từ đầu năm đến nay đã được điều chỉnh tăng giá bán. “Tại thời điểm đầu tháng 4/2021, giá thép xây dựng bình quân ở mức 15.500 - 16.000 đồng/kg (chưa bao gồm thuế VAT, giao tại nhà máy) tùy thuộc vào chủng loại thép và từng doanh nghiệp. Trong khi đó, tại thời điểm tháng 12/2020, giá thép xây dựng khoảng 12.200 - 12.500 đồng/kg”, VSA cho hay.
Cùng với đó, giá cát xây dựng cũng liên tục tăng phi mã, nhất là tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Giá cát xây dựng tại Tiền Giang, Long An, Bến Tre… thời điểm cuối quý I tăng từ 20% - 30% so với đầu năm.
Giá các loại vật liệu xây dựng khác như: xi măng, nhựa, đồng, nhôm cũng tăng. Trong tháng 4/2021, một số doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước đã điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm từ 30.000 - 40.000 đồng/tấn. Việc tăng giá này được Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) lý giải nhằm cân đối chi phí đầu vào, đầu ra của sản phẩm và khả năng bán hàng của doanh nghiệp. Việc điều chỉnh tăng giá xi măng tiếp tục gây sức ép cho các nhà thầu xây dựng.
Vật liệu xây dựng đội giá khiến lợi nhuận của nhiều nhà thầu xây lắp suy giảm. Tính đến hết quý I/2021, dù ghi nhận doanh thu tăng trưởng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.216 tỷ đồng, nhưng lãi ròng của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Ricons lại giảm từ 32,8 tỷ đồng xuống còn 23,5 tỷ đồng. Kết quả thiếu tích cực đến từ biên lợi nhuận gộp của Công ty giảm từ mức 6,78% xuống còn 5,95%.
Đối với Công ty CP Hưng Thịnh Incons, biên lợi nhuận gộp quý I năm nay chỉ đạt 8,89%, thấp hơn nhiều so với con số 22,1% cùng kỳ năm ngoái. Điều này khiến lãi ròng chưa bằng một nửa cùng kỳ năm 2020, đạt 37,7 tỷ đồng dù doanh thu vẫn tăng trưởng gần 10% lên 1.159 tỷ đồng.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình chia sẻ: “Giá thép tăng quá nhanh và quá cao đang khiến các nhà thầu xây dựng Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn”. Theo ông Hải, mặc dù Hòa Bình đã có hợp đồng mua thép giá không đổi với các nhà cung cấp, nhưng cũng giới hạn trong một khoảng phù hợp. Vì thế, ở những công trình chưa kịp mua thép, việc giá thép tăng phi mã như hiện nay ảnh hưởng rất lớn tới Công ty.
Kết quả kinh doanh quý I/2021 được Hòa Bình công bố gần đây cho thấy, doanh thu ghi nhận 2.263 tỷ đồng nhưng lãi ròng ở mức khá khiêm tốn, 9 tỷ đồng.
Một “ông lớn” khác là Công ty CP Xây dựng Coteccons mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021, ghi nhận doanh thu giảm mạnh từ 3.547 tỷ đồng (quý I/2020) xuống còn 2.563 tỷ đồng. Theo giải trình, doanh thu trong kỳ giảm chủ yếu do doanh thu mảng xây dựng giảm gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái, nền kinh tế khó khăn kéo dài từ năm 2020, nhiều dự án bất động sản vẫn chưa hoạt động trở lại như thời điểm trước dịch Covid-19. Lợi nhuận ròng của Coteccons giảm hơn một nửa, chỉ còn 54,5 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2020 lãi hơn 123 tỷ đồng).
Trên thực tế, giá vật liệu tăng cao chỉ là một phần của những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp xây dựng đang gặp phải. Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt nhận định, ngành xây dựng đang gặp nhiều thử thách khi chiếc bánh thị phần không còn liên tục nở ra với tốc độ thần kỳ như giai đoạn bùng nổ 2013 - 2018. Đối với các tổng thầu, điều này có nghĩa là lượng công việc gối đầu sẽ không tăng một cách dễ dàng, cạnh tranh giá bỏ thầu sẽ ngày càng gay gắt gây sức ép lên biên lợi nhuận vốn đã mỏng của ngành xây dựng. Quy mô hoạt động lớn cũng đồng nghĩa với rủi ro dòng tiền khi không nhiều chủ đầu tư duy trì được nguồn tiền do tác động của dịch Covid-19. Theo đó, các tổng thầu xây dựng dân dụng sẽ không thể duy trì tốc độ tăng trưởng, thậm chí sẽ ghi nhận doanh thu giảm trong năm 2021.