Khó khăn trong xác định đơn giá xử lý rác thải theo công nghệ mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Lượng rác thải rắn sinh hoạt của tỉnh Thái Nguyên phát sinh khoảng 1.000 tấn/ngày, thu gom được trên 700 tấn, hình thức xử lý chủ yếu là chôn lấp và đốt.
Ông Nguyễn Thế Giang, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên

Ông Nguyễn Thế Giang, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên

Tỉnh Thái Nguyên chủ yếu dùng vốn ngoài ngân sách cho công tác xử lý rác thải, vấn đề khó nhất là xác định chi phí nào cho hợp lý. Chúng tôi đã tiếp nhiều đoàn khảo sát trong nước và quốc tế từ Hàn Quốc, Nhật Bản… Sau khi khảo sát, các chủ đầu tư giới thiệu công nghệ và đưa ra mức giá rất khác nhau, ví dụ doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đưa giá 49 USD/tấn và Tỉnh phải cam kết đủ rác để đốt; DN của Đức đưa giá 79 USD/tấn xử lý rác theo hình thức phát điện. Các mức giá này đều vượt quá khả năng tài chính của Tỉnh.

Chúng tôi cũng đang thực hiện 1 dự án có tài trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc cho việc phân loại rác tại nguồn và phân loại trước khi xử lý, sau đó 1 DN Hàn Quốc sẽ xây nhà máy xử lý rác với công suất khoảng 200 tấn/ngày. DN Hàn Quốc đề xuất là 2 cơ sở phân loại do địa phương quản lý vận hành, sau khi phân loại xong chuyển sang cơ sở xử lý của DN này, nếu làm như vậy thì chi phí rất cao. Hiện chưa thống nhất được giá nên tạm dừng triển khai giai đoạn xử lý rác, mới triển khai giai đoạn phân loại rác.

Để tháo gỡ, việc cơ quan có thẩm quyền có hướng dẫn xác định công nghệ phù hợp với thời điểm hiện tại và đơn giá hợp lý cho các địa phương như tỉnh Thái Nguyên là rất cần thiết hiện nay. Ngoài ra, trong quá trình vận hành đối với 2 cơ sở đốt rác đang triển khai (1 cở sở tại TP. Thái Nguyên và 1 cơ sở tại thị xã Phổ Yên - nay là TP. Phổ Yên, do tư nhân đầu tư từ trước năm 2015) cũng có một số rủi ro. Rủi ro cho nhà đầu tư là rác thải được thu gom (hiện đã xã hội hóa cho đơn vị khác) đôi khi không được đưa về cơ sở xử lý hàng ngày nên không đủ rác để đốt theo công suất nhà máy hoặc chính quyền có lúc chậm thanh toán. Về phía Nhà nước có rủi ro khi nhà máy gặp sự cố lò đốt, rác ùn ứ, ảnh hưởng môi trường. Đây là phát sinh thực tế mà các bên vẫn đang phải thường xuyên phối hợp xử lý.

Tin cùng chuyên mục