Lũy kế hết quý I/2023, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 8,6 tỷ USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Lê Tiên |
Đơn hàng giảm, hàng vạn lao động mất việc
Gần 14.000 người lao động ở trong các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh như: Quế Võ, Tiên Sơn, Hanaka, Yên Phong… đã bị mất việc làm trong quý I/2023. Đó là nội dung đáng chú ý tại báo cáo tình hình lao động, việc làm trong các khu công nghiệp (KCN) vừa được Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh gửi Sở Lao động và Thương binh tỉnh này.
Ông Nguyễn Đức Cao, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh cho biết, nguyên nhân chính của tình trạng lao động mất việc làm là đơn hàng của nhiều doanh nghiệp liên tục giảm, chi phí đầu vào không ngừng tăng cao.
Không chỉ tại Bắc Ninh, số liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố gần đây cho thấy, một số địa phương khác có nhiều KCN, khu chế xuất có số lao động mất việc tương đối lớn như: Đồng Nai gần 32.600 người, Bình Dương gần 21.700 người, Bắc Giang khoảng 7.700 người…
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, từ cuối quý III/2022, đơn hàng dệt may giảm 15 - 20%; đơn giá giảm 20 - 30%, thậm chí có đơn hàng giá giảm đến 40 - 50%. Đó là những điều trước đây chưa từng xảy ra. Theo số liệu của Bộ Công Thương, lũy kế hết quý I/2023, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 8,6 tỷ USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến tình hình khó khăn còn kéo dài. “Các doanh nghiệp đang gồng mình để có đơn hàng, dù đơn giá thấp cũng nhận làm để không phải sa thải nhân công, nhưng vẫn có doanh nghiệp không trụ nổi. Rất mong, cơ quan nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho cộng đồng doanh nghiệp”, ông Cẩm nói.
Không chỉ khó khăn về đơn hàng do cầu tiêu dùng sụt giảm, các doanh nghiệp xi măng đang gặp khó khăn do giá điện tăng. “Chi phí về năng lượng chiếm khoảng 20 - 25% giá thành sản xuất xi măng. Nay giá điện tăng thêm 3% từ ngày 4/5, chi phí sản xuất mỗi tấn xi măng cũng tăng thêm 7.000 - 10.000 đồng. Trong khi đó, việc tăng giá bán xi măng ở thời điểm này rất khó, bởi nguồn cung đang rất lớn, áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt”, đại diện một doanh nghiệp xi măng tại Hải Dương chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân công do đơn hàng giảm, chi phí đầu vào không ngừng tăng. Ảnh: Trần Việt |
Chú trọng kích cầu, giảm rào cản sản xuất, kinh doanh
Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành ban hành chính sách hỗ trợ về nhiều mặt. Đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ tập trung vào các giải pháp chủ yếu để phát triển thị trường cho doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, nhất là chú trọng cầu, thúc đẩy thị trường trong nước làm trụ đỡ khi nhiều thị trường nước ngoài gặp khó. Cụ thể là triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước; đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa thông qua khuyến khích các hệ thống phân phối hiện đại tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin…
Với thị trường nước ngoài, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như: Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan. Cùng với đó, sẽ tìm giải pháp giúp doanh nghiệp khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Về khó khăn của doanh nghiệp, vấn đề khúc mắc đầu tiên là ở dòng tiền, cần có sự hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư còn chưa thuận lợi, việc này đã đấu tranh mấy năm qua để cải thiện, cải tiến thể chế, giảm các điều kiện kinh doanh... Nhưng hiện nay, thông qua các văn bản của bộ, ngành, địa phương cho thấy đã phát sinh hàng nghìn thủ tục. Cần có cuộc tổng rà soát toàn bộ các thủ tục để xem xét những thủ tục nào là thừa, lãng phí, gây cản trở, ách tắc hoạt động của doanh nghiệp, người dân.
Phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên thảo luận về kinh tế của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuần qua.
Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng các nguồn lực và nghiệp vụ cần thiết để bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế, hai lần giảm lãi suất điều hành, ban hành chính sách hoãn giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Về chính sách tài khóa, Chính phủ đã ban hành các giải pháp gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và đã trình Quốc hội phương án giảm thuế giá trị gia tăng 2%.
TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho biết, nhiều doanh nghiệp đang bế tắc về phương án kinh doanh khi chi phí sản xuất tăng, sức cầu thấp. Điều đáng mừng là Chính phủ đã chia sẻ khó khăn bằng giải pháp hỗ trợ về tiền thuê đất, một số loại phí. Bên cạnh đó, Chính phủ đã trình Quốc hội chính sách tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2%, góp phần kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ.
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, các chính sách hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ đều “đúng và trúng” song cần triển khai kịp thời và hiệu quả. Mặt khác, điều các doanh nghiệp cần nhất lúc này là kích cầu tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh nỗ lực của từng doanh nghiệp, Nhà nước cần đẩy mạnh các chính sách kích cầu, xúc tiến thương mại, tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Quan trọng hơn, cần thúc đẩy giải ngân đầu tư công để hỗ trợ khôi phục hoạt động sản xuất của khối doanh nghiệp tư nhân, tạo tác động tăng cầu nền kinh tế. Đồng thời, theo ông Thành, nên tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh để tháo gỡ các rào cản, giúp doanh nghiệp gia tăng năng lực cạnh tranh.